Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Giới thiệu về Tricc

1.    Tên doanh nghiệp: CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tên tiếng Anh: TRANSPORT INVESTMENT & CONSTRUCTION CONSULTANT JOINT STOCK COMPANY (TRICC – JSC)
2.    Trụ sở giao dịch: 371 Kim Mã - P. Ngọc Khánh - Q. Ba Đình - TP. Hà Nội
Điện thoại: 04 37 714 276 - Fax: 04 38 461 892 
Email: tricc@fpt.vn - Website: www.tricc-jsc.com.vn ; www.tricc.vn
3.    Quyết định chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần số 2834/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 08 năm 2005 và số 4382/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải.
4 .   Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số: 0103010328 ngày 16 tháng 12 năm 2005, và đăng ký thay đổi lần 11 ngày 11 tháng 05 năm 2016 do Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội cấp.
5 .   Vốn Điều lệ: 20.296.000.000 đồng (Hai mươi tỷ, hai trăm chín mươi sáu triệu đồng).
Cơ cấu vốn :

Nhà nước                                           :  4,93%;

Cổ đông cá nhân                               :  95,07%;;

6.    LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:

Năm 1989 Bộ GTVT ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt, sáp nhập 3 đơn vị là: Công ty Khảo sát thiết kế đường sắt, Ban Khoa học Kinh tế Kỹ thuật và Công ty Nghiên cứu thiết kế đầu máy toa xe là 3 đơn vị hoạt động độc lập trực thuộc Tổng cục Đường sắt trước đây về là thành viên của Viện. Trước năm 1989, mỗi đơn vị đều có lịch sử hình thành và có những dấu ấn riêng biệt.
6.1.     QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY KHẢO SÁT THIẾT KẾ ĐƯỜNG SẮT (1959-1989)
Ngay sau khi Hiệp Định Giơnevơ được ký kết, tháng 9/1954 Tổng cục Đường sắt được thành lập gồm các Cục: Cục Kỹ thuật; Cục Thi công; CụcVật tư Thiết bị; Vụ Tiền lương tài chính và Cục Chính trị.
Tháng 10/1954 Tổng cục Đường sắt tiến hành khôi phục, cải tạo và xây dựng mới một số tuyến đường sắt như: đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan; đường sắt Yên Viên – Lào Cai; đường sắt Hà Nội – Vinh; năm 1959 làm mới đoạn đường sắt Đông Anh – Thái Nguyên và trong thập niên 1960-1970 làm thêm tuyến Kép - Lưu Xá, Kép - Hạ Long với khổ đường 1435 và khổ đường lồng 1000/1435.
Tháng 8/1959 Phòng Thiết kế của Tổng cục Đường sắt được thành lập, trụ sở làm việc đặt tại Tâm điểm (107 Trần Hưng Đạo), trưởng phòng là ông Nguyễn Kim Khánh.

Cũng thời gian  này ĐS Đông Anh – Thái Nguyên mang tên “Công trường thanh niên xây dựng Đường sắt” được triển khai. Đây là công trình do Việt Nam tự thiết kế, thi công ở tất cả các hạng mục công trình, đường khổ tiêu chuẩn 1435mm. Sau hơn một năm thi công, ngày 30/8/1960, lễ khánh thành được tổ chức long trọng tại ga Đông Anh với sự có mặt của phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Tổng cục trưởng Tổng cục ĐS Hà Đăng Ấn.

Tháng 4/1961, Bộ GTVT quyết định thành lập Viện Thiết kế Đường sắt trực thuộc Tổng cục Đường sắt, Viện trưởng là ông Nguyễn Tường Lân. Về tổ chức của Viện gồm các phòng Thiết kế, các đội Khảo sát Địa hình, Địa chất, Thủy văn và các phòng quản lý là: Nhân sự, Vật tư, Tài vụ. Thời kỳ đầu số lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân còn ít, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã có thêm được nhiều Kỹ sư, Kỹ thuật viên và Công nhân khảo sát tốt nghiệp từ các trường đào tạo ở trong và ngoài nước nên đã tự thiết kế được các công trình mà trước đó phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.
Ngày 27/12/1962 Bộ GTVT ký Quyết định số 1478/QĐ hợp nhất Viện Thiết kế thủy bộ và Viện Thiết kế Đường sắt lấy tên là Viện Thiết kế Giao thông với 3 chức năng: sản xuất, tham mưu và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trụ sở đặt tại 278 Hàng Bột - Hà Nội (nay là 278 Tôn Đức Thắng - Hà Nội). Công trình tiêu biểu thời kỳ này là khảo sát thiết kế cải tạo ĐS Hà Nội – Mục Nam Quan thành ĐS khổ tiêu chuẩn 1435mm. Chủ nhiệm thiết kế tổng thể là ông Nguyễn Ngọc Truy, Nguyễn Hoàng Phu; Chủ nhiệm thiết kế cầu là ông Trần Tuấn Anh, Nguyễn Quang Tiến; chủ nhiệm thiết kế địa chất nền đường là ông Nguyễn Mạnh Kiên, Bùi Trưng. 

 

Năm 1964 giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, các công trình cầu đường là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Để giữ vững mạch máu giao thông, Bộ GTVT quyết định thành lập 2 Tổng đội đảm bảo giao thông và cũng từ đây hình thành bộ phận Tư vấn khảo sát thiết kế đường sắt độc lập trực thuộc Tổng cục Đường sắt làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và phát triển thành Công ty Thiết kế đường sắt sau này. 

Tổng đội 1 đảm nhận từ phía bắc ga Ninh Bình trở ra có trụ sở làm việc tại 42 Lý Thường Kiệt. Tổng đội 2 đảm nhận từ phía nam ga Ninh Bình vào Quảng Bình, đặt trụ sở làm việc  tại Rừng Thông – Thanh Hóa. Giặc Mỹ ném bom đánh phá ác liệt ngày đêm nhưng những cây cầu, những tuyến đường vẫn được giữ vững bảo vệ an toàn như: Cầu Hàm Rồng, Đường sắt Thanh Hóa – Vinh, Đường gòong Hà Tĩnh – Quảng Bình cho những con tàu ngày đêm không ngừng vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và quân đội chi viện cho  tiền tuyến lớn Miền Nam.

Năm 1965, không quân Mỹ đánh phá ác liệt đường sắt, yêu cầu phải lồng đường 3 ray cấp tốc từ biên giới Đồng Đăng về Kép để đưa đầu máy toa xe khổ 1435mm vào sâu trong nội địa, công tác KSTK và thi công được hoàn thành trong vòng chưa đến sáu tháng, kịp thời phục vụ cuộc chiến mang đậm tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm của CBCNV lúc bấy giờ. Chủ nhiệm thiết kế tổng thể và tuyến là ông Nguyễn Ngọc Truy.

 Tổng đội 1 đảm bảo giao thông trên các tuyến đường sắt phía Bắc, dưới mưa bom bão đạn nơi nào cầu hư hỏng hay sập chưa kịp tan khói bom họ đã có mặt. Khẩu hiệu lúc đầu là: “Địch phá ta sửa ta đi”, sau đổi thành “Địch phá ta cứ đi”. Hàng trăm đường tránh, cầu tạm đã được KSTK và xây dựng trong thời gian ngắn đảm bảo mạch máu giao thông ĐS không bị gián đoạn. Giải pháp “dầm gật gù” một đầu dầm trên trụ cứng, một đầu kê trên xà lan hay loại cầu cất (ban ngày chỉ thấy mố trụ nhưng ban đêm mới đẩy dầm ra cho tàu chạy qua) với khẩu hiệu “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga” đã đánh lừa được máy bay địch là những sáng tạo độc đáo chỉ có ở Việt Nam, những sáng tạo này đã được Chính Phủ tặng thưởng Huân Chương Lao Động Hạng 2. Tại Hà Nội, nơi máy bay Mỹ liên tục đánh phá ác liệt cầu Long Biên, các đoàn tàu đi qua Sông Hồng gặp rất nhiều khó khăn, anh em đã sáng tạo thiết kế ra dầm SH1, SH2 cho cầu phao vượt sông Hồng, tại Hải Phòng thiết kế dầm TB1, TB2 cho cầu phao Tam Bạc, thiết kế dầm A5 cho cầu phao Ninh Bình để những đầu máy và những toa hàng từ hậu phương lớn hướng về tiền tuyến lớn, đó thực sự là những sáng tạo dám nghĩ dám làm của đội ngũ kỹ sư thiết kế làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông đường sắt thời kỳ này. Góp công lớn trong việc thiết kế các loại cầu đường sắt thời kỳ này là các kỹ sư: Lê Thanh Cần, Lê Tấn, Dương Chí Thành. Thời gian từ 9/1965 – 6/1968 Trưởng phòng thiết kế Tổng đội 1 đảm bảo giao thông Tổng cục Đường sắt là ông Lê Nhân Trung – Các phó phòng là ông Nguyễn Ngọc Truy, ông Lê Thanh Cần.  

        Cầu phà liên hợp bắc qua Sông Hồng khi Cầu Long Biên bị đánh phá năm 1967.

Từ 01/11/1968, không quân Mỹ chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, ngành Đường sắt bắt tay ngay vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục cơ sở vật chất. Hai Tổng đội đảm bảo giao thông được giải thể, phòng Thiết kế của Tổng đội Đảm Bảo Giao Thông được đổi tên là Phòng Thiết kế Tổng cục Đường sắt, thời gian đầu đặt trụ sở làm việc tại Vân Hồ (Bộ Kiến trúc cũ). Theo yêu cầu phát triển của Ngành đường sắt, tại quyết định số 3272/QĐ-TC ngày 9/12/1970 của Bộ GTVT, phòng Thiết kế Tổng cục Đường sắt được nâng cấp thành Công ty  Thiết kế đường sắt, trụ sở đặt tại Trường đào tạo Công nhân lái tàu 57 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội (nay là trụ sở Công ty 371 Kim Mã – Ba Đình –Hà Nội). Tổ chức công ty bao gồm các phòng Thiết kế Cầu, Đường, Kiến trúc, Thông tin Tín hiệu, Can in (in sấy nắng osalitte), Đội Khảo sát, Đội Địa chất (Đội khoan thăm dò địa chất, Tổ thí nghiệm địa chất, Tổ sửa chữa máy cao đạc…) và các phòng quản lý nghiệp vụ như Phòng Hành chính, Phòng Kế hoạch - Vật tư, Phòng Nhân sự tiền lương, Phòng Tài Chính Kế toán, Đội xe, Tổ bảo vệ.

Năm 1972, không quân Mỹ thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, Công ty Thiết kế đường sắt nhận nhiệm vụ nghiên cứu KSTK xây dựng một “Cảng cạn” ở khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn) có đủ khả năng tiếp nhận hàng viện trợ bằng ĐS thay thế cảng Hải Phòng. Chỉ trong vài tháng, gần 40.000m2 kho bãi dã chiến kèm theo hệ thống đường nhánh xếp dỡ đã xây dựng xong, được lãnh đạo trung ương và Bộ GTVT đánh giá rất cao.

   

Cầu Long Biên – Hà Nội bị bom Mỹ tàn phá nặng nề (tháng 8/1967)

Cũng trong thời kỳ này, công ty được giao nhiệm vụ KSTK khôi phục các cầu bị phá hoại trong chiến tranh, đáng chú ý có các cầu lớn phức tạp như Long Biên, Hàm Rồng, Việt Trì, Phú Lương.

Về ga, các ga lớn hầu như bị phá hoại hoàn toàn nên được thiết kế khôi phục kết hợp cải tạo như ga khách Hà Nội, ga hàng Giáp Bát, ga lập tàu Yên Viên. Ngoài ra hàng loạt ga lớn khác như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng… đều được thiết kế gần như làm mới.

 

 

 

   Các ga đoạn Thanh Hóa - Vinh bị đánh phá năm 1968 

 

Từ tháng 01/1973, ông Nguyễn Ngọc Truy làm Chủ nhiệm công ty sau khi ông Lê Nhân Trung được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cầu Đường. Từ 5/1974 Công ty Thiết kế đường sắt đổi tên là Công ty Khảo sát thiết kế đường sắt do ông Nguyễn Ngọc Truy làm Giám đốc. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, do yêu cầu cấp bách khôi phục Đường sắt Thống Nhất nên một lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật và công nhân khảo sát của Công ty đã được điều động vào miền Nam tiến hành  khảo sát thiết kế tại chỗ để khôi phục đường sắt từ cầu Tiên An – Đà Nẵng, đoàn gồm các kỹ sư thiết kế: Nguyễn Đình Lư, Nguyễn Văn Trọng, Đặng Trọng Hưng, Lê Công Ngân, Nguyễn Văn Quỳnh, Nguyễn Trọng Bách, Vũ Phạm Chánh (Kỹ sư Cầu), Phan Mạnh Thường, Đào Đình Bình, Hoàng Mạnh Hiếu, Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Ngọc Chu, Nguyễn Đồng Tuân, Lê Minh Dụ, Nguyễn Văn Nguyên (Kỹ sư Đường Ga), Trần Nhật Tựu, Nguyễn Quang Việt (Thông tin Tín hiệu), Nguyễn Văn Cương, Vũ Đức, Nguyễn Cật, Phạm Sỹ Đào (Kỹ sư Kiến trúc) và các công nhân khảo sát địa hình, địa chất. Từ tháng 12/1975 hồ sơ KSTK được đưa ra Hà Nội hoàn thiện nhưng vẫn giữ lại một số kỹ sư cốt cán tại hiện trường dưới sự chỉ đạo chung của ông Nguyễn Đình Lư. 
Cũng trong thời gian này, theo Quyết định của Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cử một đoàn Khảo sát thiết kế Thông tin Tín hiệu vào giúp đỡ Đường sắt Miền Nam Việt Nam mới giải phóng để trang bị hệ thống thông tin tín hiệu chỉ huy chạy tàu như của đường sắt Miền Bắc. Đoàn do Bà Dương Thị Hường Phó Giám đốc Công ty làm trưởng đoàn, ông Ngô Xuân Trực, Phó phòng thiết kế  Thông tin tín hiệu làm phó đoàn cùng các ông Trần Nhật Tựu, Nguyễn Quang Việt, Hồ Thế Hội, Đào Duy Linh, Phùng Văn Kiện và ông Hoàng Văn Thiêm (Phòng đường ga) đi bằng tàu thủy từ Cảng Chùa Vẽ Hải Phòng vào Sài Gòn và đã được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của Đường sắt Miền Nam do các ông Lê Minh Đức và ông Nguyễn Văn Hoai chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ KSTK Thông tin tín hiệu từ Ga Sài gòn đến Ga Đà Nẵng và nhập vào với đoàn KSTK từ Miền Bắc vào. Đoàn đã làm việc liên tục từ tháng 10/1975 cho đến tháng 2/1977 thì mới kết thúc nhiệm vụ và trở về Miền Bắc. Tháng 12/1976 hai đoàn tàu Thống Nhất  khởi hành từ Hà Nội vào và từ Sài Gòn ra gặp nhau tại Ga Đà Nẵng đánh dấu công lao các đơn vị khảo sát thiết kế - thi công sau gần 2 năm lăn lộn tại hiện trường còn ngổn ngang tàn tích chiến tranh hết sức nguy hiểm, và các cán bộ khảo sát thiết kế của công ty với 40 kỹ sư thiết kế và 2 tổ khảo sát đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc khôi phục tuyến đường sắt nối liền hai miền Nam Bắc, làm thỏa lòng mong ước của nhân dân cả nước sau bao nhiêu năm Đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh. Công ty đã vinh dự nhận bằng khen của Nhà nước về Thành tích khôi phục tuyến Đường sắt Thống Nhất (năm 1976).
Theo yêu cầu ngày càng tăng về nhu cầu phát triển đầu máy toa xe sau khi thông tuyến ĐS Thống nhất, công ty đã thành lập thêm phòng Công nghiệp, bổ nhiệm ông Phạm Huy Hổ làm trưởng phòng cùng đội ngũ 20 kỹ sư chuyên ngành đầu máy toa xe đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháo gỡ những khó khăn về đầu máy toa xe trong thời gian này. 
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra (2-3/1979) khi quân xâm lược Trung Quốc vừa rút, hiện trường các tuyến đường và các trọng điểm bị đánh phá đang còn ngổn ngang bom đạn, Công ty đã thành lập hai Đoàn khảo sát lên đường làm nhiệm vụ khảo sát kiểm tra, đánh giá thiệt hại và lập phương án khôi phục tạm các đoạn đường sắt bị phá hoại từ Phố Lu đến Lào Cai và từ Đồng Mỏ đến Lạng Sơn, Mai Pha rồi đến Đồng Đăng, cuối cùng là điểm mốc nối ray tại  Biên Giới  Việt – Trung, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh và khai thông tuyến Đường sắt lên các tỉnh biên giới phía Bắc. Đoạn đường sắt Phố Lu – Lào Cai do ông Phan Văn Dương làm Trưởng đoàn cùng các thành viên ông Đinh Hữu Trì, ông Đặng Triết, ông Cao Thành Công, ông Phạm Minh Huấn. Việc khắc phục hậu quả của chiến tranh do phía Trung Quốc phá hoại là hết sức nặng nề, hầu hết các cầu cống đều bị đánh sập, đường ray nhiều đoạn bị đặt mìn cắt đứt, hệ thống thông tin tín hiệu chạy tàu bị gián đoạn. Suốt thời gian dài từ 1979 đến 1990, 2 đoạn đường sắt từ Phố Lu đến Lào Cai và từ Đồng Mỏ đến Lạng Sơn – Đồng Đăng – Biên giới chạy tàu bị gián đoạn do kinh phí đầu tư không có và quan hệ Trung Quốc chưa được cải thiện nên nhu cầu vận tải còn rất hạn chế. Từ năm 1990 nhà nước mới đầu tư kinh phí khôi phục. Nhờ đã chuẩn bị trước công tác KSTK nên sau 2 năm xây dựng, tháng 4/1992 các đoạn đường sắt nêu trên đã được khôi phục xong hoàn toàn và các đoàn tàu hàng, tàu khách mới được khai thác trở lại bình thường trên cả hai tuyến biên giới phía Bắc. 
Cũng trong thời gian này, để giúp bạn Campuchia khôi phục đường sắt sau chiến tranh biên giới phía nam, công ty đã cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm sang trực tiếp KSTK, đoàn do ông Nguyễn Đình Lư làm  trưởng đoàn được phía bạn đánh giá rất cao và tặng kỷ niệm chương hữu nghị. Từ năm 1986 là thời gian tập trung xây dựng đường sắt khu vực mỏ apatit nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển quặng cho nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai do Liên Xô giúp đỡ sắp đi vào chạy thử phục vụ nhu cầu tự sản xuất nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước nhà. Đội ngũ CBCNV KSTK của Công ty lại khẩn trương lên đường cộng tác cùng các chuyên gia Liên Xô khảo sát thiết kế kỹ thuật thi công, đáp ứng kịp thời cho tiến độ thi công tuyến đường sắt khu vực mỏ Apatit Lào Cai nối từ các khai trường đến nhà máy tuyển đặt tại Tằng Lỏong với cự ly gần 50km. 

6.2.     QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ ĐẦU MÁY TOA XE (1979-1989)
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuyến Đường sắt Bắc Nam được nối liền, nhu cầu vận tải Đường sắt tăng đột biến. Tuyến ĐSTN chiếm vị trí “xương sống” của cả nước đáp ứng yêu cầu chuyên chở người, hàng hóa giữa hai miền Nam – Bắc trong hoàn cảnh tài chính quốc gia hạn hẹp, chủ trương của ngành đường sắt là tự nghiên cứu đóng mới phương tiện, khôi phục cải tạo những phương tiện vận tải đường sắt hiện có và chỉ mua mới những trang thiết bị trong nước chưa đủ khả năng chế tạo. Do thực tiễn yêu cầu nên Tháng 5/1979 công ty Nghiên cứu thiết kế đầu máy toa xe được thành lập trên cơ sở nâng cấp phòng thiết kế thuộc Cục Đầu máy toa xe. Tiến sỹ Lê Tấn Giáo làm Giám đốc nhằm thúc đẩy lĩnh vực cơ khí ĐMTX của ngành. Trụ sở làm việc của Công ty Nghiên cứu Thiết kế Đầu máy toa xe giai đoạn 1979 – 1989 đặt tại tầng 2 ga Hà Nội, ban đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty hết sức nghèo nàn, phòng làm việc quây tạm bằng cót ép nên gọi là “nhà cót”. Tuy khó khăn như vậy nhưng hoạt động của công ty vẫn đi vào nề nếp. Công ty có Phòng Đầu máy, Phòng Toa xe, Phòng Kỹ thuật chất lượng, Phòng Tính toán thử nghiệm, Phòng Công nghệ và các phòng nghiệp vụ như Kế hoạch, Lao động tiền lương, Tài vụ, Can in. 
Trong thời gian 10 năm (1979 – 1989) Công ty NCTK ĐMTX đã thực hiện thiết kế và chỉ đạo kỹ thuật đóng mới đoàn tàu khách mang tên “Thiếu Niên Tiền Phong” công trình có ý nghĩa rất to lớn mang tính tự lực tự cường do chính những chủ nhân tương lai của đất nước quyên góp, tiết kiệm được. Bên cạnh đó 5 loại xe: giường cứng, ghế cứng, xe hàng cơm, xe bưu vụ, xe hành lý được công ty thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh. Đáng chú ý là sự thành công của việc kéo dài toa xe từ 19m lên 20m bệ xe không xà dọc giữa, vận hành an toàn trên ĐSVN và nâng cao sức chở của toa xe đã được Bộ GTVT và ngành Đường sắt đánh giá cao. 
Các loại xe chuyên dụng chở chất lỏng, toa xe chuyên dùng chở quặng cũng được thiết kế chế tạo trong thời gian này. Đặc biệt đầu kéo được cải tạo trên cơ sở kết hợp tổng thành xe ô tô Kamaz và các thiết bị đầu máy TY73 để giải quyết sức kéo cho dự án đường sắt Đồng Tiến – Bến Nhãn của tỉnh Hà Bắc.
Bên cạnh các hoạt động trong lĩnh vực ĐMTX trong ngành, công ty còn cử Cán bộ kỹ thuật giúp cho ngành Đường sắt Campuchia phát triển và được nhà nước Campuchia tặng Kỷ niệm chương Hữu nghị.
6.3.     QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BAN KHOA HỌC KINH TẾ KỸ THUẬT ĐƯỜNG SẮT (1982 – 1989)
Tháng 10/1982 Ban Khoa học Kinh tế  Kỹ thuật đường sắt (Tiền thân là Văn phòng Kỹ thuật đường sắt) thuộc Tổng cục Đường sắt ra đời trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Kỹ thuật với Phòng giá của TCĐS. Chức năng của Ban là tham mưu cho ngành Đường sắt về phương hướng phát triển, nâng cao chất lượng an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải Đường sắt. Trưởng Ban là Tiến sỹ Nguyễn Huy Kim, phó ban là các ông Hà Đàm Ân, Trần Xuân Tam, Lê Công Tường. 
Trong những năm hoạt động (10/1982 – 4/1989) Ban đã xây dựng được giá cước vận tải, giá Xây dựng cơ bản hàng năm, xây dựng kế hoạch Nghiên cứu khoa học kỹ thuật hàng năm và chỉ đạo, giám định các đề tài lớn như:
•    Thiết kế chế tạo giá chuyển hướng toa xe khách, toa xe hàng trong nước thành công.
•    Đề xuất phương án cải tạo đầu máy Rumani bằng động cơ Đức được Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao.
•    Đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo tà vẹt bê tông thế hệ mới.
•    Tín hiệu đường ngang, thiết kế chống tài xế đầu máy ngủ gật.
•    Rút ngắn thời gian chạy tàu khách Bắc Nam.
•    Chỉnh sửa, bổ sung quy phạm khai thác kỹ thuật Đường sắt.
•    Lấy ý kiến chuyên gia để phản biện khoa học về tuổi thọ và sử dụng cầu Long Biên giúp cho Bộ GTVT quyết định cho sửa chữa, gia cố và tiếp tục khai thác cho các tuyến ĐS phía bắc.
6.4.     HỢP NHẤT 3 ĐƠN VỊ THÀNH VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ ĐƯỜNG SẮT (1989 – 1995)
Bước vào thời kỳ đổi mới, để nâng cao năng lực Tư vấn KSTK theo kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ, theo đề nghị của Tổng cục Đường sắt, Bộ GTVT có QĐ số 62312/QĐ-TCCB-LĐ ngày 4/10/1988 sáp nhập 3 đơn vị là công ty Khảo sát thiết kế đường sắt, Công ty Nghiên cứu thiết kế đầu máy toa xe, Ban Khoa học kinh tế kỹ thuật ĐS thành Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt. Trụ sở làm việc đặt tại 371 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội, Viện trưởng là ông Nguyễn Ngọc Truy. Bên cạnh các chức năng khảo sát thiết kế các công trình đường sắt, các sản phẩm cơ khí ĐMTX, Viện NCTKĐS còn có chức năng nghiên cứu khoa học công nghệ. Vì vậy bên cạnh kinh phí KSTK hàng năm, Viện còn được cấp một nguồn lương sự nghiệp để thực hiện chức năng này. Về mô hình tổ chức bao gồm:
•    Khối quản lý bổ trợ: lấy nòng cốt là các phòng hiện có của công ty KSTK, bổ sung các cán bộ cùng chức năng của hai đơn vị là Công ty NCTK đầu máy toa xe và Ban Khoa học kinh tế kỹ thuật ĐS, song song với việc tinh giản một số lao động dôi dư khi sáp nhập như giải quyết về hưu trước tuổi, nghỉ mất sức…
•    Khối trực tiếp sản xuất: giữ nguyên các phòng thiết kế, đội khảo sát và thành lập thêm Trung tâm cơ điện gồm các nhân sự của Công ty NCTK đầu máy toa xe và Trung tâm nghiên cứu thử nghiệm để nghiên cứu chế thử các sản phẩm ứng dụng từ các đề tài nghiên cứu khoa học của ngành.
Những khó khăn ban đầu khi sáp nhập nhanh chóng được khắc phục và hoạt động  sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học cũng dần đi vào nề nếp khi hệ thống các nội quy, quy chế nội bộ được ban hành. 
Trong thời gian từ 1989 – 1995, Viện NCTKĐS đã thành công trong công tác nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, điển hình là:
•    Hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước KC10-10 do ông Nguyễn Ngọc Truy làm chủ nhiệm. Trong đó nghiên cứu thành công kết cấu kiến trúc phần trên khổ ĐS 1000mm có thể chạy tàu với tốc độ cao bằng loại tà vẹt bê tông dự ứng lực và liên kết loại mới, đã được áp dụng đặt trên một khu gian của ĐS Thống nhất, đạt tốc độ ổn định 90km/h từ năm 1995 đến nay.
•    Thực hiện xuất sắc đề tài ứng dụng tiến bộ KHCN thay thế tổng thành động cơ đầu máy Rumani bằng động cơ của Cộng hòa liên bang Đức làm sống lại hàng chục đầu máy Rumani vốn trước đó đã bị xem là hàng phế liệu, được phía Cộng hòa liên bang Đức và Bộ Khoa học công nghệ đánh giá rất cao (chủ nhiệm đề tài là ông Nguyễn Hữu Bằng). 
•    Nghiên cứu thành công tà vẹt bê tông 2 khối dùng bộ liên kết đàn hồi Nobla.
•    Quy hoạch mạng cơ khí, quy hoạch sức kéo ĐSVN.
•    Đề tài KC10-11 do ông Trần Hồng Mạnh làm chủ nhiệm nghiên cứu thành công đưa điện 220V lên đoàn tàu khách là vấn đề cốt yếu nhất cải thiện chất lượng phục vụ hành khách.
•    Chỉnh bị kỹ thuật và vận chuyển 100 toa xe chuyên dụng tự lật AHQ của Liên Xô chế tạo từ cảng Hải Phòng về mỏ Apatit, kết hợp với Xí nghiệp liên hiệp ĐS khu vực 1 tổ chức vận tải 500.000 tấn quặng từ khai trường về phục vụ chạy thử nhà máy tuyển. Với địa hình đặc biệt khó khăn nhưng công ty đã nghiên cứu thành công ga giao tiếp giữa  đường sắt quốc gia và đường sắt khu vực mỏ.
6.5.     CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG TY TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG (1996–2005)
Tại Quyết định số 5263/QĐ/TCCB-LĐ ngày 25/12/1995 của Bộ GTVT chuyển Viện NCTKĐS thành Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Tứ được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty.
Mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của công ty theo mô hình cứng gồm 2 khối:
•    Khối quản lý bổ trợ gồm 9 đơn vị tham mưu phục vụ.
•    Khối trực tiếp sản xuất gồm 15 phòng thiết kế và 2 trung tâm (Trung tâm công nghệ cao và trung tâm cơ điện).
Thời gian hoạt động của Công ty TVĐT và XD (1996 – 2005) là thời kỳ đất nước phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ đổi mới hội nhập nền kinh tế thị trường và kinh tế thế giới. Nhiều dự án Đường sắt quốc gia, Đường sắt đô thị và Đường quốc lộ được triển khai trong thời gian này, điển hình là:
•    Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (Liên danh với Tư vấn Dosch – Consul - CHLB Đức).
•    Quy hoạch phát triển GTVT ĐS đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 06/QĐ TTg ngày 07/01/2002.
•    Dự án cải tạo 4 hầm ĐS khu vực đèo Hải Vân.
•    Mở mới ga Hải Vân góp phần tháo gỡ nút tắc nghẽn và tăng năng lực thông qua khu vực này từ 15 đôi tàu lên 24 đôi tàu /ngày đêm.
•    Dự án khôi phục nâng cấp Đường sắt Phố Lu – Lào Cai.
•    Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công  giá chuyển hướng lò xo không khí phục vụ cho toa xe khách thế hệ 2 và toa xe khách 2 tầng, đoàn tàu tốc hành SE chạy tuyến Bắc Nam.
•    Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới hệ thống tín hiệu cảnh bảo tự động các đường ngang.
•    Thiết kế chế tạo thành công đoàn tàu kéo đẩy tại Việt Nam và lắp ráp 20 đầu máy trong nước.
•    Liên doanh TKKT và giám sát thi công cải tạo nâng cấp các cầu yếu trên tuyến ĐSTN.
•    Thiết kế và cải tạo nâng cấp 225km QL7 từ Diễn Châu – Nậm Cắn, 100km đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Nghệ An, 220km tuyến Nam Quảng Nam và tham gia lập dự án đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn Cao Bằng – Pắc Pó.
6.6.     QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG GTVT (2005 ĐẾN NAY)
Để hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế thị trường hội nhập nền kinh tế quốc tế, xu hướng chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang công ty Cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được Đảng, Chính phủ và Bộ GTVT, ngành ĐSVN đặc biệt quan tâm.
Ngày 15/8/2005 Bộ GTVT có Quyết định số 2834/QĐ–BGTVT phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TVĐT và XD thành Công ty CP TVĐT và XD GTVT.

6.6.1.  Nhiệm kỳ 1 Công ty Cổ phần (2005 – 2008): 
Ngày 26/10/2005 Đại hội cổ đông thành lập, đã thành công thông qua Điều lệ tổ chức hoạt động, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.

       Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 1                                                                      Ban kiểm soát nhiệm kỳ 1

•    Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hạt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát là ông Nguyễn Thắng Lợi.
•    Trong nhiệm kỳ 1, mô hình tổ chức sản xuất của công ty theo hướng thành lập các Xí nghiệp như Xí nghiệp Cơ khí công trình, Cầu Hầm, Công trình giao thông, Thông tin tín hiệu, Chi nhánh TP HCM, công ty Dịch vụ Thương mại tổng hợp và các phòng Thiết kế, quản lý, nghiệp vụ. 
•    Từ năm 2006 – 2008 các chỉ tiêu cơ bản về SXKD đều hoàn thành vượt mức theo NQ của ĐH cổ đông. Doanh thu năm sau đều cao hơn năm trước từ 7% đến 10%, quyền lợi của tập thể, nhà nước, cổ đông và người lao động được đảm bảo. Những dự án lớn công ty thực hiện trong thời kỳ này là:
-    Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
-    Dự án Xây dựng Đường sắt đô thị Hà Nội: Tuyến số 1, Tuyến số 2, Tuyến số 3.
-    Dự án Xây dựng Đường sắt đô thị TP. HCM: Tuyến số 1, Tuyến số 2, Tuyến số 4.

6.6.2.  Nhiệm kỳ 2 Công ty Cổ phần (2009 – 2014): 
Ngày 31/3/2009 Đại hội cổ đông bầu ra HĐQT gồm 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hạt làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, ông Trần Thiện Cảnh là Trưởng ban Kiểm soát từ năm 2009 – 2010 và ông Phạm Thành Đoàn từ năm 2010 – 2014.

          Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2                                                              Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2

Phát huy những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn sau 3 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, HĐQT nhiệm kỳ 2 đã có những bước đi vững chắc. Hệ thống nội quy, quy chế được ban hành đầy đủ và đồng bộ là cơ sở pháp lý để vận hành công ty. Các Xí nghiệp mới tiếp tục được ra đời như Xí nghiệp Khảo sát, Xí nghiệp Đầu tư BĐS. Tính chủ động trong sản xuất kinh doanh được tăng lên bằng việc phân cấp hạch toán cho các xí nghiệp. 
Những dự án lớn công ty thực hiện trong thời kỳ này là:
•    Các Dự án Đường sắt đô thị ở TP Hà Nội: Tuyến 1, 2, 3.
•    Các Dự án Đường sắt đô thị ở TP Hồ Chí Minh: Tuyến 1, 2, 5, 6.
•    Các Dự án nâng cấp hệ thống TTTH trên các tuyến đường sắt.
•    Các Dự án thực hiện theo lệnh khẩn cấp Thủ tướng Chính phủ.
•    Dự án nâng cấp tuyến Đường sắt Yên Viên – Lào Cai.
•    Dự án Lập lại trật tự An toàn giao thông trên các tuyến ĐS theo QĐ 1856/CP…
Bên cạnh các hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, công ty còn phát triển sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản như dự án nhà ở CBCNV Đường sắt khu vực ga Hải dương, Khu đô thị mới Mỹ Đình.
6.6.3.  Nhiệm kỳ 3 Công ty cổ phần (2014 – 2019):
Ngày 25/4/2014 Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 3 đã bầu ra HĐQT do ông Đỗ Văn Hạt làm Chủ tịch HĐQT. Trưởng ban Kiểm soát là bà Nguyễn Thúy Hảo. Hội đồng quản trị đã bầu ông Trần Thiện Cảnh làm Tổng Giám đốc. 

        Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 3                                             Chủ tịch HĐQT cùng với 2/3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 3

Từ năm 2006 đến năm 2014 sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhịp độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh của Công ty được tăng lên rõ rệt.
 
7.     NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT
•    Thành tích Tập thể:

                   Lễ đón nhận Huân Chương Lao động Hạng 1 (năm 2003)

                      Lễ đón nhận Huân chương Độc Lập hạng 3 (năm 2009)

•    Thành tích cá nhân (đang công tác):
-    Những cá nhân được tặng Huân chương Lao động Hạng 3: Đ/c Đỗ Văn Hạt, Đ/c Nguyễn Tiến Công.
-    Những cá nhân được tặng Bằng Khen của Thủ Tướng Chính phủ: Đ/c Đỗ Văn Hạt, Đ/c Nguyễn Thanh Tịnh, Đ/c Nguyễn Tiến Công, Đ/c Đào Thị Hạnh, Đ/c Phạm Minh Huấn.
-    Cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc: Đ/c Trần Thiện Cảnh.
-    Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hạt được nhận giải thưởng: VIFOTEX về đoàn tàu kéo đẩy và Giải thưởng "Top 100 nhà quản lý tài đức" năm 2013.

                                

•    Nhiều cán bộ Lãnh đạo chủ chốt của Bộ GTVT và Ngành ĐS trưởng thành từ Công ty như:
-   Ông Đào Đình Bình     Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT.
-   Ông Nguyễn Tường Lân     Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
-   Ông Vũ Phạm Chánh      Nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT.
-    Ông Nguyễn Hữu Bằng      Nguyên Chủ tịch HĐTV, TGĐ Tổng công ty ĐSVN.
-    Ông Nguyễn Đạt Tường      Nguyên Chủ tịch HĐTV, TGĐ Tổng công ty ĐSVN.
-    Ông Nguyễn Trọng Bách     Nguyên Phó Tổng Giám đốc
-    Ông Trần Phi Thường     Phó Cục Trưởng Cục ĐSVN 
-    Ông Vũ Quang Khôi     Phó Cục Trưởng Cục ĐSVN
-    Nhiều cán bộ Trưởng ban, Phó ban của Tổng công ty ĐSVN, các Ban Quản lý của ngành, các chuyên viên của các Ban đều đã từng công tác tại Công ty.

8.    NGÀNH NGHỀ VÀ LĨNH VỰC KINH DOANH:
8.1    Tư vấn đầu tư và xây dựng các công trình giao thông gồm:
a)    Lập quy hoạch, báo cáo đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình và mua sắm thiết bị và phương tiện vận tải;
b)    Khảo sát, thiết kế và lập tổng dự toán các công trình đường sắt và đường bộ (bao gồm: cầu, cống, đường, ga, trạm, hệ thống TTTH, xây dựng công nghiệp và dân dụng);
c)    Thiết kế đóng mới, phục hồi, hoán cải đầu máy, toa xe, phương tiện thiết bị cơ khí chuyên dùng cho ngành đường sắt;
d)    Thẩm tra các báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế và dự toán công trình;
e)    Tư vấn kiểm định, tư vấn giám sát chất lượng thi công xây dựng các công trình giao thông; tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; tư vấn soạn thảo các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải;
8.2    Thi công xây dựng các công trình thực nghiệm và các công trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
8.3    Mua bán máy móc, thiết bị và phụ tùng thay thế.
8.4    Kinh doanh bất động sản với quyền sở hữu hoặc đi thuê, cho thuê văn phòng làm việc, cho thuê máy móc thiết bị.
8.5    Cho thuê nhân lực trong phạm vi luật định.
8.6    Tư vấn giám sát chất lượng quá trình lắp đặt và chuyển giao công nghệ máy móc, thiết bị công nghiệp và các phương tiện giao thông vận tải.
8.7    Thiết kế kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp.
8.8    Thiết kế cấp thoát nước.
8.9    Đại lý bán vé tầu hoả.
8.10    Mua bán phế liệu.
8.11    Mua bán hàng điện tử, điện lạnh.
8.12    Xuất nhập khẩu các mặt hàng Công ty kinh doanh.
8.13    Thiết kế mạng thông tin, bưu chính viễn thông công trình xây dựng.
8.14    Thiết kế lắp đặt hệ thống điện công trình giao thông.
8.15    Giám sát thi công xây dựng đối với công trình đường dây và trạm biến áp đến 220KV, lĩnh vực: lắp đặt thiết bị công trình, xây dựng hoàn thiện.
8.16    Thiết kế công trình đường dây và trạm biến áp đến 35KV.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án