Tuyến 2 (Đường sắt đô thị Hà Nội)

Tuyến 2 hay còn gọi là Tuyến Nội Bài – Hoàng Quốc Việt hoặc Tuyến Hoàn Kiếm[1] (Giai đoạn 1: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) là tuyến metro đang được giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư thi công ở Thủ Đô. Là một phần của hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến được phân thành 5 kỳ đầu tư chính được thực hiện theo thứ tự với tổng chiều dài dự kiến là 47,3 km gồm 36 nhà ga và 2 depot:

  • Tuyến 2.1: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 11,5 km gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm và 1 depot. Tổng chi phí thực hiện là 35.678 tỷ đồng[2].
  • Tuyến 2.2: Trần Hưng Đạo – Thượng Đình dài 5,96 km với 6 ga ngầm. Ước tính chi phí xây dựng là 34.700 tỷ đồng[3].
  • Tuyến 2.3: Nội Bài – Nam Thăng Long dài 19,65 km bao gồm 3 ga ngầm, 9 ga trên cao và 1 depot. Mức đầu tư dự kiến của dự án là 25.000 tỷ đồng[3].
  • Tuyến 2.4: Thượng Đình – Vành đai 2.5 – Hoàng Quốc Việt dài khoảng 7,65 km với 7 nhà ga ngầm chưa rõ chi phí đầu tư cụ thể.
  • Tuyến 2.5: Nội Bài – kéo dài đi Sóc Sơn dài 10,2 km với 4 ga trên cao hiện có chi phí đầu tư thi công ước tính khoảng 20.767 tỷ đồng.

Hiện tại trong 5 đoạn tuyến trên duy nhất Tuyến 2.1 đang trong công tác GPMB chuẩn bị đầu tư thi công. Các đoạn tuyến khác vẫn đang được xem xét, rà soát và chuẩn bị các thủ tục liên quan[3]. Để đáp ứng theo quy hoạch chung mới của Thủ Đô, Tuyến 2 dự kiến bổ sung thêm đoạn Trần Hưng Đạo – Chợ Mơ – Ngã Tư Sở – Hoàng Quốc Việt đi ngầm hoàn toàn với chiều dài 11,5 km và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 49.755 tỷ đồng. Chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn tài trợ cho cả dự án gồm các đoạn tuyến trên bằng nguồn vốn ODA[4] nhằm đồng bộ công nghệ toàn tuyến.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ ga Nam Thăng Long ở quận Tây Hồ và kết thúc ở ga Trần Hưng Đạo (C10) thuộc Quận Hoàn Kiếm, đi qua 3 ga trên cao và 7 ga ngầm với tổng chiều dài là 11,5 km, trong đó đoạn trên cao từ KĐT Nam Thăng Long đến KĐT Tây Hồ Tây dài 2,6 km và đoạn đi ngầm từ ga Bưởi đến ga Trần Hưng Đạo dài 8,9 km. Depot của tuyến được đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Hướng tuyến đi từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo[5]. Khi đi vào hoạt động tuyến sẽ giúp giảm lưu lượng xe cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, tạo động lực cho mạng lưới giao thông công cộng của thành phố và kết nối sân bay, vùng ngoại ô, các khu đô thị mới của Hà Nội đến khu trung tâm phố cổ. Đồng thời, hướng tuyến chạy vành đai kết hợp hướng tâm giúp trung chuyển hành khách và liên kết hiệu quả với các tuyến metro khác.

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon