Vừa qua, Bộ GTVT đã có một đợt đi kiểm tra tình hình triển khai thi công 4 gói thầu A1, A2, A3, A4 thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Qua kiểm tra, Bộ GTVT nhận thấy việc thực hiện dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác thi công cũng như công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, về công tác quản lý, thi công và giám sát, theo Bộ GTVT thì vẫn còn có thiếu sót và tồn tại như, sự phối hợp giữa VEC và các địa phương chưa được chặt chẽ và linh hoạt trong giải phóng mặt bằng, các Nhà thầu thi công chưa huy động đủ thiết bị và máy móc trên công trường, nhiều đoạn có mặt bằng sạch nhưng nhà thầu chưa triển khai thi công; công tác giải ngân thấp so với yêu cầu…
Do vậy, để đạt được tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt, Bộ GTVT yêu cầu VEC thực hiện 9 công việc quan trọng. Theo đó, về công tác giải phóng mặt bằng, VEC cần cử thêm các cán bộ có đủ thẩm quyền, năng lực và kinh nghiệm xuống trực tiếp phụ trách từng gói thầu để phối hợp hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2011, đặc biệt ưu tiên công tác di rời mồ mả. Trường hợp vướng mắc, cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT và địa phương xử lý kịp thời.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các Nhà thầu phải triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ điều chỉnh đã được phê duyệt. Hàng tuần kiểm tra theo dõi, nếu chậm so với kế hoạch đề ra thì yêu cầu Nhà thầu phải kịp thời có biện pháp thi công để bù lại tiến độ đã chậm.
Bộ GTVT đề nghị VEC yêu cầu kiểm tra các hợp đồng Nhà thầu phụ, chủ động và kiên quyết thay thế Nhà thầu phụ yếu kém, không đủ năng lực và thi công không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Theo Bộ GTVT, dự án này có chiều dài tới 245 km với khối lượng thi công rất lớn, lại đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành và chia thành nhiều gói thầu nên việc đi lại đièu hành dự án rất khó khăn. Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu quản lý dự án theo mô hình giao cho hai Ban điều hành để chỉ đạo, nhằm xử lý kịp thời, đồng thời bố trí đủ cán bộ có đủ năng lực cho dự án và từng gói thầu.
Các Nhà thầu được yêu cầu phải bố trí văn phòng điều hành tại công trường (kể cả Nhà thầu phụ). Hàng tháng, Bộ GTVT sẽ kiểm tra và họp giao ban trên tuyến, yêu cầu các Lãnh đạo của tất cả các Nhà thầu chính và Nhà thầu phụ có mặt tại hiện trường để báo cáo tiến độ, các vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết để đáp ứng tiến độ.
Hàng tháng, VEC phải báo cáo cụ thể về tiến độ và chất lượng của Dự án và của từng gói thầu gửi về Bộ GTVT (qua Cục quản lý XD&CL công trình giao thông) để theo dõi. Cục này có nhiệm vụ chủ động theo dõi, kiểm tra hiện trường và chỉ đạo VEC thực hiện, kịp thời đề xuất báo cáo Bộ GTVT những khó khăn vướng mắc liên quan.
VEC sẽ phải chỉ đạo Tư vấn giám sát đưa ra các biện pháp để tháo gỡ cho Nhà thầu nhằm đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân cho dự án.
Đơn vị này cũng đồng thời có trách nhiệm triển khai tất cả những ý kiến chỉ đạo trên của Bộ GTVT đến Tư vấn giám sát và các nhà thầu (kể cả nhà thầu phụ).
Đặc biệt, Bộ GTVT nhấn mạnh, VEC khẩn trương thực hiện tất cả những nội dung nêu trên để đẩy nhanh tiến độ của dự án, nếu đến quý I/2012 dự án vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của VEC sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ.
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 264 km có điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đường cao tốc này là một phần của đường Xuyên Á AH14.
Dự án này khởi công từ quý 3 năm 2008 và dự kiến ban đầu là hoàn thành vào năm 2012, nhưng nay dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2014.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 dự kiến là gần 20.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thi công sau năm 2020, xây dựng đoạn nối đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc), hoàn chỉnh đoạn Hà Nội - Yên Bái với 6 làn xe, rộng 33m, đoạn Yên Bái - Lào Cai 4 làn xe, rộng 24m.