Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Cần có cuộc “cách mạng” trong công tác tuyên truyền về an toàn GTĐS

24/03/2012 | 12:45

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh như vậy trong hàng loạt biện pháp đưa ra nhằm kiềm chế tai nạn GTĐS một cách bền vững tại cuộc họp của Bộ GTVT với ĐSVN về đảm bảo ATGTĐS diễn ra ngày 21-3-2012 vừa qua.

Với việc thực hiện nhiều biện pháp của ĐSVN nói riêng, các Bộ, ngành nói chung, thời gian qua tai nạn GTĐS đã giảm tích cực, tính riêng từ đầu năm đến hết ngày 15-3-2012 giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, kết quả này lại không ổn định; từ năm 2008 đến năm 2010 giảm mạnh số vụ, số người bị thương (năm 2008: 571 vụ, 228 người chết, 409 người bị thương; năm 2009: 537 vụ, 219 người chết, 409 người bị thương; năm 2010: 472 vụ, 224 người chết, 287 người bị thương), nhưng năm 2011 lại tăng ở cả 3 tiêu chí: 533 vụ, 271 người chết, 353 người bị thương. Vậy làm thế nào để kiềm chế tai nạn GTĐS bền vững, đó là nội dung cuộc họp hướng tới nhằm tìm ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho vấn đề an toàn GTĐS trong thực trạng hiện nay.

Thực trạng

Về cơ bản, các tuyến ĐS đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc cách đây hơn 100 năm; cơ sở hạ tầng vận tải đã xuống cấp đáng kể nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp, cải tạo kịp thời. Mặt khác, nhiều đoạn tuyến đi quanh co, đèo dốc qua các khu vực địa hình phức tạp, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. ĐSVN chỉ có hơn 3000 km nhưng lại nằm trải dài trên 33 tỉnh, thành phố trong cả nước, 147 quận, huyện, thị xã, 654 phường, xã, thị trấn với những đặc thù tương đối khác nhau cả về cơ sở hạ tầng và tổ chức quản lý. Đặc biệt, các tuyến ĐS phổ biến chạy qua khu đô thị, khu dân cư có tốc độ đô thị hóa nhanh và rất nhiều đoạn ĐS liền kề đường bộ, tình trạng vi phạm và lấn chiếm hành lang ATGTĐS, nạn mở đường ngang (ĐN) trái phép đang diễn ra khá phổ biến; ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người tham gia giao thông kém; mặt khác, các hành vi vi phạm TTATGTĐS chưa được các lực lượng chức năng (công an, thanh tra giao thông) phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh... là những nguyên nhân chính gây ra tai nạn trên ĐS. Hầu hết các vụ TNGTĐS đều do người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ (ĐB) gây ra trên ĐS, như năm 2011, xảy ra 533 vụ thì có đến 514 vụ (chiếm 96%) do khách quan: Tại những nơi ĐS và ĐB chạy song song, liền kề, rất nhiều sự cố, tai nạn do xe ô tô đâm nhau trên ĐB văng đổ vào ĐS; người và phương tiện tham gia GTĐB cố tình vi phạm pháp luật GTĐB, ĐS, không chú  ý, quan sát tín hiệu cảnh báo hoặc cố tình vượt qua ĐN khi tàu đang đến gần. Qua thống kê, phân tích các vụ TNGTĐS cho thấy: Khoảng 75% số vụ TNGTĐS xảy ra trên các giao cắt cùng mức giữa ĐS và ĐB, mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua ĐS. Hà Nội là địa phương xảy ra nhiều vụ TNGTĐS nhất, sau đó là Nghệ An, Hà Nam, Đồng Nai... Địa phương được đánh giá thực hiện tốt nhất công tác đảm bảo TTATGTĐS là TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình đảm bảo ATGTĐS và tổ chức cử người cảnh giới tại các ĐN không có người gác; đến nay trên địa bàn thành phố không có đường ngang dân sinh. Điều này cho thấy cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo ATGTĐS.

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng(9-1-2010) tại đường ngang Km 70+555 tuyến ĐS Thống Nhất. Nguyên nhân do tài xế ô tô không chấp hành luật ĐS, cố tình vượt qua Đường ngang khi tàu sắp đến.

Các vụ TNGTĐS ngoài gây thiệt hại về người còn gây thiệt hại đáng kể về vật chất cho ngành ĐS và toàn xã hội. Riêng đối với ngành ĐS, thiệt hại do tai nạn gây ra 5 năm qua (2007-2011) bình quân mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng. Mặc dù nguyên nhân phổ biến các vụ tai nạn là do khách quan nhưng thiệt hại vật chất thì gần như ĐSVN phải gánh chịu, bởi việc đòi bồi thường từ những người gây tai nạn hết sức khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và không khả thi: hầu hết các trường hợp người chịu trách nhiệm về tai nạn không có khả năng bồi thường.

Cần thực hiện cuộc "cách mạng" trong tuyên truyền

Thời gian qua, ĐSVN đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, hạn chế TNGTĐS như: Tích cực tổ chức triển khai các công trình, dự án có liên quan đến công tác đảm bảo ATGTĐS (Dự án giai đoạn II và III về thực hiện Kế hoạch 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như tài trợ từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đầu tư xây dựng hàng rào hộ lan, đường gom...); phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật đảm bảo ATGTĐS; phối hợp với các địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm bảo vệ hành lang ATGTĐS, ngăn chặn nạn mở ĐN trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý và giáo dục đội ngũ CBCNV làn công tác chạy tàu, không ngừng nâng cao ý thức tự giác chấp hành QTQP, đảm bảo tốt nhất công tác ATCT.v.v...

Các giải pháp trên đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng trước thực trạng ATGTĐS hiện nay mà như ý kiến một đại biểu tại cuộc họp: "Kiềm giữ được TNGTĐS không tăng đã là thành công" thì bài toán kiềm chế, giảm thiểu TNGTĐS bền vững xem ra rất khó giải. Tuy nhiên, không thể vì khó mà không làm nên ĐSVN và các đại biểu đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm, cấp bách trước mắt cũng như lâu dài nhằm kIềm chế TNGTĐS hiệu quả hơn và bền vững hơn: Đưa thiết kế giao cắt khác mức giữa ĐS và ĐB vào các dự án xây dựng mới cũng như các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và qui hoạch giao thông tại các tỉnh có ĐS đi qua, trước mắt là dự án cải tạo quốc lộ 1A; làm gờ giảm tốc tại các đường ngang và trên trục ĐB đoạn sắp giao cắt với ĐS; đầu tư tăng cường các thiết bị nghe, nhìn cảnh báo từ xa; tăng cường và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm; cân đối lại kinh phí cho công tác tuyên truyền pháp luật ATGTĐS và công tác cảnh giới tại ĐN không người gác; cắm đầy đủ biển báo qui định rõ loại phương tiện, tải trọng, tốc độ được phép đi qua ĐN...


Vi phạm Luật ĐS: Đi, đứng, nằm, ngồi trên ĐS...Có làn đường dành cho người đi bộ nhưng vẫn đi vào lòng ĐS.(Tuyến ĐS dốc Bản Thí, chụp trên cầu Bắc Thủy km 123+ 806).

Sau khi nghe các ý kiến của ĐSVN và các đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh: Kiềm chế TNGTĐS không chỉ là trách nhiệm của ĐSVN mà còn là trách nhiệm, vai trò của Bộ GTVT nên đồng tình và ghi nhận các kiến nghị của ĐSVN, giao các Cục, Vụ giải quyết. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và ĐSVN cần khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp như: rà soát lại toàn bộ văn bản liên quan đến đảm bảo ATGTĐS để sửa đổi, bổ sung các qui định cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp với thực tế; lập dự án đảm bảo ATGTĐS đến 2020 và định hướng 2030; sớm ban hành Điều lệ đường ngang sửa đổi; đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo ATGTĐS; hoàn thành sớm đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền ATGT; ĐSVN khẩn trương hoàn thành Đề án nâng cấp, cải tạo và hiện đại hóa tuyến ĐS Bắc -Nam, trong đó lưu ý các vấn đề môi trường, tạo điều khiện thuận lợi cho người khuyết tật; ĐSVN và Tổng cục ĐB cần nhanh chóng ký kết và triển khai Quy chế phối hợp đảm bảo ATGTĐB, ĐS; rà soát và báo cáo kết quả thực hiện, hiệu quả đầu tư dự án đảm bảo ATGTĐS theo Kế hoạch 1856/QĐ-TTg để có quyết định triển khai các bước tiếp theo; đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt đường ngang cảnh báo tự động, thiết bị cảnh báo từ xa... Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý phải tiến hành ngay cuộc "cách mạng" trong công tác tuyên truyền pháp luật về đảm bảo ATGTĐS để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bởi: dù đầu tư các thiết bị, phương tiện hiện đại, thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo ATGT đến đâu mà ý thức người tham gia giao thông chấp hành pháp luật giao thông kém thì công tác kiềm chế TNGT cũng không đạt hiệu quả cao được...

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án