Cảng Hải Phòng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất ở phía Bắc, là cảng biển duy nhất có hệ thống đường sắt nối liền với hệ thống đường sắt quốc gia. Theo thống kê, liên tục trong 10 năm (2000 - 2010), sản lượng hàng hóa cũng như hàng hóa vận chuyển bằng container thông qua cảng Hải Phòng liên tục tăng cao.
Dự kiến năm 2011, sản lượng container thông qua cảng Hải Phòng khoảng 1,2 triệu TEU (bình quân 3.300 TEU/ngày đêm). Và mức độ tăng trưởng bình quân khoảng 15 - 20%/năm. Với số lượng lớn như vậy trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu nên đã tạo sức ép rất lớn lên vận tải đường bộ, ách tắc tại các cảng.
Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, ước tính năm 2011, lượng hàng qua các cảng Hải Phòng khoảng 43 triệu tấn nhưng gần 79% vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy “gánh” gần 20%. Còn lại đường sắt chỉ đảm nhận được khoảng 3%. Đây là một nghịch lý bởi phần lớn cảng Hải Phòng có đường sắt vào tận nơi. Chính vì một lượng hàng lớn như vậy phải đi bằng đường bộ nên vấn đề đảm bảo ATGT trên tuyến QL5 qua địa bàn thành phố đang rất “căng”.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Duy Luân - Tổng giám đốc Công ty VTHHĐS cho biết, hiện tỷ trọng vận tải container trên đường sắt còn khiêm tốn, trong khi cơ sở hạ tầng hiện tại có thể đảm đương vận chuyển hơn 100 container/ngày.
Để giảm tải cho QL5, khai thác triệt để năng lực vận tải trên đường sắt, Tổng CT ĐSVN đang trình Bộ GTVT dự thảo đề án Tổ chức vận chuyển container bằng đường sắt trên trục QL5 (Hải Phòng - Yên Viên) và 70 (Hải Phòng - Lào Cai).
Theo tính toán với năng lực hiện tại, 1 đoàn tàu chở container của đường sắt tương đương với khoảng 20 xe ô tô. Nếu ĐS vận chuyển được khoảng 10% (khoảng 330 teu/ngày đêm), lượng container thông qua cảng Hải Phòng sẽ giảm khoảng 200 lượt ô tô chạy trên QL5. Vấn đề đặt ra là để cạnh tranh được với đường bộ, cơ sở hạ tầng đường sắt phải được cải tạo, nâng cấp. Ông Luân cho biết thêm, hiện tại ngành Đường sắt cũng chưa có phương tiện xếp dỡ và cẩu chuyên dùng container nên cũng gây khó khăn không nhỏ.
Hơn nữa, nhiều đơn vị giao nhận phản ánh, việc vận chuyển đường sắt có ưu điểm là giá rẻ so với đường bộ nhưng thời gian chuyển hàng kéo dài, khâu bốc dỡ hàng được thực hiện rất chậm. Khi container được chuyển về đến ga tàu, doanh nghiệp lại phải mất công thuê ôtô vận chuyển về kho của doanh nghiệp.
Như vậy, để tăng khả năng khai thác, vận tải container bằng đường sắt, trước mắt cần phải cải tạo lại hệ thống đường sắt trong cảng Hải Phòng; đầu tư, cải tạo lại đường vào bãi xếp dỡ hàng hóa, bãi xếp dỡ container tại các ga; đầu tư thêm cẩu, toa xe chuyên dùng chở container...
Theo ông Bùi Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Vinalines, trước mắt có thể đề nghị quy định ưu tiên cho ngành Đường sắt vận chuyển hàng nội địa, “ép” các tàu chở hàng nội địa phải vào khu vực cảng có đường sắt như Hoàng Diệu, Lê Thánh Tôn để vận tải bằng đường sắt...”.
Còn ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP Hải phòng cho biết, cần có cơ chế tính giá cước vận chuyển và giá xếp dỡ hợp lý, nhanh chóng mới đủ sức cạnh tranh với đường bộ.