Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai: Chính thức khởi động

22/11/2011 | 19:06

Lễ ký hợp đồng Gói thầu xây lắp số 2 (CP2) - gói thầu xây lắp đầu tiên, lớn nhất của Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai giữa ĐSVN và Liên danh nhà thầu Namkwang - Sampyo diễn ra ngày 15-11-2011 tại Khách sạn Daewoo (Hà Nội) đã đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình thực hiện dự án sau mấy năm chậm trễ.

Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, kiên trì tìm giải pháp vượt qua các rào cản thủ tục và những khó khăn phát sinh trong thực hiện dự án của ĐSVN, Ban Quản lý các dự án (RPMU), nhà tài trợ nói riêng, các ban ngành hữu quan nói chung. Từ đây, dự án bước sang giai đoạn thi công, chính thức khởi động...   
Tổng quan dự án
Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai thuộc Hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2742/QĐ-BGTVT ngày 10-9-2007. Theo đó, tuyến ĐS của dự án trải dài trên 285 km, bắt đầu từ Ga Yên Viên (Km 10+500) đến cầu Hồ Kiều (Km 296+050) là biên giới với Trung Quốc tại Lào Cai (dự án gồm cả 10km tuyến vận chuyển quặng apatít từ Ga Phố Lu đến Ga Xuân Giao). Đây là tuyến đường đơn khổ 1.000 mm, không điện khí hóa, được xây dựng từ thập kỷ đầu của thế kỷ 20 nên chất lượng đường kém, có các đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn... Dự án được lập nhằm loại bỏ những hạn chế về năng lực bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa và cải thiện an toàn với mục tiêu cụ thể: đáp ứng khoảng 5 triệu hành khách/năm và khoảng 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm; tăng khối lượng hàng hóa quá cảnh trên hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng; tăng mức độ an toàn chạy tàu trên tuyến; rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt là tàu khách (khoảng 70 phút). Dự án sử dụng vốn vay đồng tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân khố Pháp (DGT). Tổng mức đầu tư dự án gần 160 triệu USD. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu cung cấp ray, ghi.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án
Được quyết định đầu tư từ năm 2007, mục tiêu dự án là hoàn thành trong 5 năm (2008 - 2012). Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt thủ tục dẫn đến tiến độ bị chậm nhiều so với kế hoạch. Trước tiên là Báo cáo nghiên cứu khả thi do tư vấn ADB lập chưa phù hợp với thủ tục của Việt Nam nên phải hoàn thiện lại khoảng 9 tháng trước khi phê duyệt. Tiếp theo, công tác tuyển chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật (TKKT), giám sát thi công dự án và tiến độ thực hiện TKKT của tư vấn chậm khoảng 17 tháng do các nhà thầu tư vấn quốc tế không chọn được tư vấn trong nước hợp lệ theo qui định của ADB dẫn đến năng lực của tư vấn không đáp ứng điều kiện thực tế của ĐSVN. Dự án sử dụng vốn vay của nhiều nhà tài trợ nên trình tự thủ tục phức tạp, thiếu thống nhất, một số điểm  không phù hợp với qui định Việt Nam.
Trước thực trạng trên, ĐSVN nói chung, RPMU nói riêng đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, Bộ GTVT và các bộ, cơ quan Chính phủ liên quan tìm kiếm các biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án. Trong đó, đã triển khai thủ tục kết thúc hợp đồng tư vấn ở bước TKKT và tách phần công việc tư vấn giám sát thành gói thầu mới (CS2); bổ sung gói thầu tư vấn tăng cường năng lực quản lý dự án (CS4); sử dụng nguồn vốn đối ứng để thi công gia cố khẩn cấp 2 đoạn xung yếu, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai tại km 242 và km 245. Do tác động của trượt giá lớn trong giai đoạn TKKT dẫn đến vượt tổng mức đầu tư (tăng hơn 30%) trong khi các nhà tài trợ không thể bổ sung vốn cho dự án thì việc điều chỉnh qui mô dự án theo hướng thực hiện toàn bộ 3 gói thầu xây lắp trong khuôn khổ nguồn vốn vay hiện có mà vẫn đảm bảo hiệu quả dự án là cần thiết. Vì vậy, các bên liên quan đã thống nhất phương án điều chỉnh qui mô dự án theo hướng ưu tiên giữ qui mô Gói thầu xây lắp CP2, điều chỉnh qui mô các gói thầu xây lắp CP1, CP3 trên cơ sở ưu tiên các hạng mục nâng cao năng lực tuyến (nâng cấp ĐS, kéo dài hoặc mở thêm các đường ga, khôi phục các cầu hạn chế tốc độ), cắt giảm các hạng mục cải tạo khôi phục không góp phần nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến... và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.  
Việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cuối tháng 9-2011, đã ra văn bản cho phép điều chỉnh quy mô dự án và sử dụng nguồn vốn đối ứng dự án; đồng ý gia hạn thời gian đóng Hiệp định khoản vay thêm 36 tháng, tới ngày 31-12-2015; yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan tìm nguồn vốn bổ sung để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án, bảo đảm dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch... cùng với việc ký kết hợp đồng Gói thầu CP2 ngày 15-11-2011 vừa qua có thể nói đã "cởi được nút thắt lớn", mở rộng đường hơn, tạo đà cho dự án cán đích. Hy vọng, với sự tích cực của nhà tài trợ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của ĐSVN, RPMU, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai sẽ suôn sẻ hơn, vượt qua được mọi khó khăn để hoàn thành đúng kế hoạch và đảm bảo các mục tiêu đề ra.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án