“Nhóm máu GTVT” đứng... chầu ngoài
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), hiện nay ngành GTVT đang triển khai 36 dự án ODA với tổng mức đầu tư lên đến hơn 16 tỷ USD. Các nhà tài trợ cũng rất đa dạng, nếu trước đây chỉ tập trung chủ yếu ở JICA, WB, ADB, nay có thêm nhiều nhà tài trợ mới như: EDCF (Hàn Quốc), Trung Quốc, Pháp, Quỹ phát triển quốc tế của OPEC,...
|
Các nhà thầu nội phải liên doanh với nhà thầu ngoại để thi công các dự án ODA |
Trong số đó, nguồn vốn JICA được coi là “cởi mở“ nhất với các nhà thầu GTVT khi gần như chỉ có vốn STEP (vốn vay điều khoảng đặc biệt) là có những điều khoản ràng buộc về nhà thầu xây lắp, những nguồn vốn thông thường thì JICA cho phép tất cả các nhà thầu trong nước có quyền tham gia đấu thầu. Còn lại, hầu hết các nhà tài trợ khác, đặc biệt là hai nhà tài trợ lớn cho lĩnh vực giao thông WB và ADB đều có những quy định rất khắt khe về nhà thầu xây lắp.
Theo quy định về mâu thuẫn lợi ích, các nhà tài trợ này không cho phép các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT tham gia đấu thầu các dự án do Bộ GTVT hoặc một đơn vị trực thuộc Bộ GTVT thực hiện. Điều này vô hình chung biến tất cả các tổng công ty xây lắp lớn và các công ty có nguồn vốn nhà nước chi phối thuộc Bộ GTVT đứng “ngoài rìa” hàng loạt các dự án giao thông lớn.
Có thể điểm mặt hàng loạt các dự án đường cao tốc thời gian qua “vắng mặt” các nhà thầu nội, hoặc các nhà thầu trong nước chỉ đi làm thầu phụ cho nhà thầu ngoại như: tuyến Nội Bài- Lào Cai, dự án này có 8 gói thầu xây lắp thì các nhà thầu Hàn Quốc chiếm đến 6 gói; đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây gần như tất cả các gói thầu xây lắp chính đều do nhà thầu nước ngoài đảm nhận. Ngoài các tuyến cao tốc, nhiều dự án ODA lớn khác cũng chủ yếu do các nhà thầu quốc tế làm nhà thầu chính như: cầu Nhật Tân, Cần Thơ, Thanh Trì, nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội- TP.HCM, vành đai III giai đoạn 2,...
Thua ngay trên sân nhà
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1 cho biết, hiện nay các dự án có nguồn vốn trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà thầu đang thiếu việc làm trầm trọng, tình trạng công nhân mất việc ngày càng nhiều thì việc các tổng công ty xây lắp lớn không được tham gia các dự án ODA là một bất cập lớn.
Dù hầu hết các Cienco của ngành GTVT đều xây dựng được thương hiệu của riêng mình, năng lực, kinh nghiệm thi công cũng lớn mạnh rất nhiều nhưng vẫn thua thiệt ngay trên chính sân nhà của mình và bị “loại” ra khỏi các dự án ODA lớn. “Với các dự án do WB và ADB tài trợ, các Cienco và những nhà thầu có vốn sở hữu nhà nước chiếm đa số không được tham gia đã là thiệt thòi lớn.
Thời gian qua, nhiều dự án nhà tài trợ cho phép nhà thầu nội đấu thầu nhưng những quy định về năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự gần như đã loại các nhà thầu trong nước ngay từ vòng đầu”- ông Lai khẳng định.
|
Xây trụ tháp chính cầu Nhật Tân (vốn ODA) đều do các nhà thầu ngoại đảm nhận |
Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4 cho rằng, các tổng công ty xây lắp của Bộ GTVT đều là những nhà thầu chuyên nghiệp và kinh qua xây lắp giao thông hàng chục năm.
Tuy nhiên, ngay từ khi ký hiệp định vốn với các nhà tài trợ, các nhà thầu nội đã không có cửa để vào. Với việc phải ở ngoài nhiều dự án lớn nên các Cienco phải đi nhận thầu phụ cho nhà thầu ngoại. Việc làm này vô hình chung tạo điều kiện làm lợi cho các nhà thầu nước ngoài. Các nhà thầu phụ gần như chỉ đi làm thuê, lấy tiền nhân công và thiết bị, còn bao nhiêu lợi nhuận các nhà thầu chính “hớt ngọn” hết.
Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Xuân Thủy, Giám đốc Công ty CP Cầu 12- một đơn vị có thương hiệu trong lĩnh vực cầu hàng đầu Việt Nam cho rằng, thời gian qua, tình trạng các nhà thầu quốc tế bỏ giá thấp tại các dự án ODA vẫn diễn ra rất phổ biến.
Việc làm này khiến thị trường xây lắp giao thông Việt Nam trở nên méo mó. “Nhà thầu chính bỏ giá quá thấp nhưng không bao giờ họ chịu thiệt về phần mình mà đổ lên đầu các nhà thầu phụ trong nước bằng việc ép giá hoặc lựa chọn các nhà thầu phụ yếu kém, không có năng lực thi công. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án chậm tiến độ và chất lượng không đảm bảo”- ông Thủy nhận xét.
Chờ đợi sự thay đổi
Với tình hình vốn liếng cho hạ tầng giao thông và sức ép việc làm của các nhà thầu xây lắp ngày càng căng thẳng thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều mong ngóng Bộ GTVT và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp cải thiện tình trạng này. Việc tìm “cửa” để các nhà thầu nội tham dự lại các dự án của các nhà tài trợ ODA cũng đang là đề tài “nóng” tại nhiều cuộc họp của Bộ GTVT những tháng gần đây. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho biết, Bộ GTVT đang nỗ lực đàm phán với các nhà tài trợ, đặc biệt là WB và ADB- hai nhà tài trợ lớn trong lĩnh vực giao thông để nơi lỏng những quy định về lựa chọn các nhà thầu xây lắp và hy vọng trong thời gian tới điều này sẽ sớm được cải thiện.
|
Thi công cầu Nguyễn Tri Phương - Đà Nẵng |
Trong khi chờ đợi, lãnh đạo nhiều Cienco cho rằng, Bộ GTVT và các chủ đầu tư cần có những quy định chặt chẽ hơn khi lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng các nhà thầu ngoại bỏ giá thầu giá thấp, ép giá các nhà thầu phụ.
Hơn nữa, chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu có thể đàm phán với các nhà thầu chính để chọn lựa các nhà thầu phụ có năng lực, có kinh nghiệm thi công để tạo thêm việc làm và các nhà thầu trong nước không bị thua thiệt nhiều ngay trên sân nhà của mình.
“Nhiều nhà thầu ngoại chưa thể hiện được nhiều”
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT Cầu đường VN, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT khi trao đổi với phóng viên Báo GTVT xung quanh vấn đề lựa chọn nhà thầu xây dựng các dự án ODA giao thông ở Việt Nam.
PV: Với kinh nghiệm công tác lâu năm trong lĩnh vực XDCB giao thông, ông có thể cho biết việc lựa chọn các nhà thầu tại các dự án ODA giao thông còn những bất cập gì, vì sao các nhà thầu nội có năng lực không được tham gia nhiều dự án ODA lớn?
Ông Nguyễn Ngọc Long: Từ trước đến nay theo thông lệ và thói quen, nhiều nhà tài trợ đã có những quy định riêng về các tiêu chí lựa chọn nhà thầu thi công các dự án ODA giao thông. Tất cả những tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm thi công,... vô hình chung đã loại toàn bộ các nhà thầu trong nước không được tham gia vào các dự án này mà nhường “sân chơi” cho các nhà thầu quốc tế.
Tuy nhiên, có một vấn đề nổi cộm là nhiều nhà thầu ngoại khi vào thi công các dự án giao thông ở Việt Nam cũng không thể hiện được gì nhiều mà vẫn phải ăn đong, trông chờ vào tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư để thi công.
Tại nhiều dự án đường cao tốc lớn, dù là các nhà thầu quốc tế nhưng vẫn bế tắc về tiến độ, tình trạng thi công ì ạch vẫn diễn ra phổ biến. Có trường hợp một dự án đã đuổi đến 3 giám đốc điều hành của các gói thầu do triển khai không đảm bảo. Tất cả những điều này không tương xứng với những hồ sơ năng lực của các nhà thầu quốc tế khi bỏ thầu vào các dự án giao thông ở Việt Nam.
PV: Vậy trong thời gian tới cần có giải pháp gì để thay đổi điều này, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Long: Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề và tiến hành rà soát toàn bộ quãng thời gian thực hiện các dự án ODA, đánh giá lại những tiêu chí lựa chọn nhà thầu ngay từ hiệp định vay để điều chỉnh hai vấn đề.
Thứ nhất là tiêu chí cần phải khuyến khích được các nhà thầu trong nước có năng lực. Nếu các nhà thầu trong nước có đủ năng lực và kinh nghiệm thì phải tạo điều kiện để các nhà thầu này tham gia, nếu không được làm nhà thầu chính cũng phải là nhà thầu trong liên danh chứ không thể chỉ làm thầu phụ mãi.
Bởi, sau nhiều năm tiếp nhận vốn ODA và triển khai các dự án lớn, nhiều nhà thầu của Việt Nam đã lớn mạnh cả về năng lực lẫn kinh nghiệm thi công.
Thứ hai, khi lựa chọn các nhà thầu quốc tế thì phải có điều kiện ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng về năng lực, kinh nghiệm thi công. Năng lực trong hồ sơ thầu như thế nào phải thể hiện ra thực tế hiện trường như vậy, chứ không để tình trạng nhiều nhà thầu dù “gắn mác” ngoại nhưng vẫn thi công ì ạch như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!
|