Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Khởi động dự án đường sắt trên cao Hòa Lạc - Hồ Tây

19/02/2012 | 15:52

Dự án tuyến đường sắt số 5 (Hòa Lạc - Hồ Tây) dài 41 km, gồm 9 ga, với tổng kinh phí nhiểu tỷ đôla đang được nghiên cứu.

Ngày 20/2, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo báo cáo đầu kỳ nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội - Tuyến số 5.

Ông Takao Miyagawa, thành viên Đoàn nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, đường sắt đô thị số 5 dài 41 km, khổ đường 1.435 mm (theo tiêu chuẩn quốc tế), gồm 9 ga (giai đoạn 1), tốc độ tối đa 160 km/h.

Hiện, có 3 kế hoạch cho đường tàu điện. Theo đó, nếu chạy trên cao, tổng số vốn đầu tư khoảng 3,75 - 4,2 tỷ USD; nếu chạy trên cao và đi ngầm, cần đầu tư từ 4,28 đến 4,79 tỷ USD; còn nếu đi ngầm toàn bộ, sẽ mất 4,78 - 5,34 tỷ USD.

Tàu điện không thể thiếu cho giao thông đô thị. Ảnh: Tiến Dũng.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thống nhất hợp tác nghiên cứu Dự án đường sắt đô thị tuyến số 5 theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cùng Hà Nội và các cơ quan liên quan phối hợp với Đoàn nghiên cứu của JICA lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này.

Thứ trưởng Hùng cho rằng, trong tương lai Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, trong đó tuyến số 5 có nhiệm vụ nối liền khu đô thị Hòa Lạc với trung tâm Hà Nội. Đô thị vệ tinh Hòa Lạc còn đang được kỳ vọng trở thành đô thị với kế hoạch triển khai Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và nhiều trường đại học.

Lãnh đạo Bộ Giao thông đã yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp với JICA để đến tháng 7/2012 sẽ có báo cáo giữa kỳ hoàn chỉnh về dự án này.

Năm 2010, Vinaconex Xuân Mai đề xuất xây dựng tuyến đường tàu điện một ray (monorail) Hòa Lạc - Hồ Tây. Theo quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị.

Có 3 dự án đang được xây dựng là tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (tổng vốn hơn một tỷ USD), tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (19.500 tỷ đồng) và Cát Linh - Hà Đông (tổng vốn 550 triệu USD).

Dự kiến năm 2016-2017, hai tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Hà Nội (số 2 và 3) sẽ hoàn thành.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án