Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và 130 năm ĐSVN

18/10/2011 | 14:42

Đường sắt (ĐS) nước ta được thực dân Pháp khởi công xây dựng từ năm 1881, đến nay là 130 năm, khởi đầu là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho dài 71 km. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, ĐS thuộc về chính quyền cách mạng của nhân dân ta - Ảnh: Hồ Chủ tịch đi trên chuyến tàu từ Hải Phòng về Hà Nội ngày 21-10-1946.

Một sự kiện lịch sử, một vinh dự lớn đối với các thế hệ CBCNV và người lao động ngành ĐS là ngày 21-10-1946, sau khi thăm nước Pháp và dự Hội nghị Fontaineibleau về nước bằng tàu thủy, từ Hải Phòng, Bác Hồ đã đi xe lửa về Hà Nội. Ngày 18-11-1946, Người đã gửi thư khen ngợi: "Về dịp tôi ở Pháp về nước, chuyến tàu riêng đưa tôi từ Hải Phòng đến Thủ đô đó được xếp đặt một cách chu đáo. Được như vậy là nhờ anh em công nhân Sở Hỏa xa đã tận tâm đón tôi. Vậy tôi có lời thân ái khen ngợi cảm ơn các anh em công nhân Hỏa xa, nhất là những anh em đã phục vụ chuyến tàu riêng tôi đi ngày 21-10-1946. Công việc hỏa xa là công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ". Ngày 21-10 đã trở thành ngày Truyền thống của ngành ĐS.
Nhận thức rõ công việc hỏa xa là công việc quan trọng phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến quốc, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Hỏa xa Việt Nam đã thực hiện "tiêu thổ kháng chiến". Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, tại các ga đầu mối và trên các tuyến ĐS ta vừa tiến công tiêu diệt địch, vừa di chuyển hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lên chiến khu thành lập công binh xưởng, sản xuất vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ĐS nước ta bị chia cắt thành 2 phần: ĐS miền Nam từ Đông Hà đến Sài Gòn dài 1040 km do chính quyền Ngụy Sài Gòn quản lý, ĐS miền Bắc có 4 tuyến với tổng độ dài là 1150km. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc khôi phục và đẩy mạnh hoạt động các tuyến ĐS ở miền Bắc; từ cuối năm 1954, hàng vạn CBCNV ĐS, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, chống chọi với thiên tai, hăng hái lao động trên các công trường xây dựng, khôi phục lại các nhà ga, nhà máy, xí nghiệp sửa chữa đầu máy, toa xe, thông tin, tín hiệu, cầu, hầm, đưa các tuyến ĐS vào khai thác. Trong 3 năm, toàn ngành đã khôi phục được 657 km, xây dựng được 75 nhà ga mới, 168 cầu lớn nhỏ với tổng chiều dài 4.371m..., nối liền ĐSVN với ĐS Trung Quốc và các nước XHCN. ĐS miền Bắc được Đảng, Nhà nước xác định là một ngành chủ yếu trong hệ thống GTVT, năm 1960 thị phần vận tải chiếm 59%. Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, toàn ngành đã  đẩy mạnh các phong trào thi đua, như "Ngày thứ 7 đẩy mạnh sản xuất đấu tranh thống nhất nước nhà", phong trào phấn đấu trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt", phong trào "Chính qui hóa"...
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến", "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi", CBCNV ĐS đã sáng tạo ra nhiều cách đảm bảo giao thông độc đáo như: Cầu phà liên hợp bắc qua sông Hồng, cầu quay để giấu xe máy, sáng tạo ra phương thức vận tải nổi tiếng "Qua sông không cầu, chạy tàu không ga", phá thế độc tuyến, độc vận trong vận tải;  nêu cao khí thế chiến đấu bằng phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" vừa tổ chức chạy tàu, vừa bố trí lực lượng chiến đấu với máy bay của giặc Mỹ. Vượt lên mọi hy sinh, tổn thất, toàn ngành đã vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa, khí tài quân sự, hàng triệu lượt bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến phục vụ cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ đến ngày thắng lợi.
Sau ngày nước nhà thống nhất, thực hiện quyết định của Đảng và Chính phủ, ngành ĐS đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, huy động tối đa nhân tài, vật lực cùng 10 vạn quân dân cả nước lao động quên mình khôi phục và làm mới 2 vạn mét cầu, 520 cống, đặt mới 660 km đường ray, 1686 km đường dây thông tin, đào đắp gần 3 triệu m3 đất đá, đến ngày 31-12-1976 khánh thành tuyến ĐS Thống Nhất dài 1729 km.
Từ tháng 4-1989, toàn ngành ĐS tiến hành đổi mới toàn diện, hơn 20 năm đổi mới, cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng vận tải của ngành được củng cố và phát triển, tốc độ cầu đường được nâng lên từ 45,8 km/h năm 1989 lên 72,1 km/h năm 2004,  nhiều nhà ga đã được cải tạo, xây mới khang trang; sức kéo đầu máy hơi nước được thay bằng sức kéo diesel có công suất lớn, ngành đã tự thiết kế đóng mới được các toa xe khách cao cấp với chất lượng tiện nghi ngày càng tốt hơn, toa xe 2 tầng, toa xe container; chế tạo và lắp ráp đầu máy có công suất lớn; các ga lớn bán vé bằng hệ thống điện toán; trang bị hệ thống cảnh báo tự động tại các đường ngang để nâng cao an toàn GTVTĐS. Ngành ĐS đã liên tục rút ngắn thời gian chạy tàu, tuyến Bắc Nam từ 58h năm 1989 xuống còn 29h vào 1-12-2004; các tuyến khác đều rút ngắn từ 2h ÷ 3h. SXKD toàn ngành tăng trưởng trên 13%/năm, doanh thu vận tải trên 8%/năm, CBCNV có đủ việc làm và thu nhập hàng năm  tăng từ 7 - 10%... Thành tích của ngành đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những danh hiệu cao quí. Ngành ĐS được đón nhận Huân chương Sao vàng (năm 2011), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996); Đảng bộ ĐSVN được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Công đoàn đón nhận Huân chương Độc lập hạng 2; Đoàn Thanh niên ĐS đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3; nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được tôn vinh Anh hùng lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động  thời kỳ đổi mới  và các phần thưởng cao quý khác.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới, mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; ngành ĐS đã được Bộ Chính trị kết luận và Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GTVTĐS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch tổng thể phát triển GTVTĐS đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đây là quyết định phát triển ngành ĐSVN phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, đồng thời là tiền đề quan trọng để các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ quan tâm đến đầu tư phát triển ĐSVN. 130 năm, ĐSVN đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặc và những thử thách lớn. Với nét đẹp truyền thống "Dũng cảm, kiên cường, đoàn kết" được phát huy và hun đúc trong 65 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ĐSVN luôn đoàn kết thống nhất, giữ vững  ổn định để xây dựng và phát triển.

Post: NA

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án