Ngoài ra, còn có đại diện của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Lào Cai, TCT ĐSVN, đại diện ủy quyền của liên danh nhà thầu Namkwang - Sampyo (Hàn Quốc) và đại diện các nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Tổng vụ ngân khố Bộ kinh tế, tài chính và công nghiệp Pháp (DGTrésor).
Lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai |
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường sắt quan trọng của quốc gia, đây là tuyến giao thông chủ lực tiếp nối vùng biên giới Tây Bắc với các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Cái Lân, nằm trong quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020 trên quan điểm hợp tác phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc. Đây là tuyến đường đơn khổ 1m, được xây dựng từ thập kỷ đầu của thế kỷ 20; trải dài 285km theo hướng Tây Bắc, từ Ga Yên Viên, dọc theo bờ Bắc sông Hồng đến Lào Cai, là biên giới với Trung Quốc.
Tuy nhiên theo đánh giá, tuyến đường sắt này đi qua các vùng địa hình đa dạng, gồm có các vùng núi, nối liền các thành phố, thị trấn, các khu vực dân cư và các khu công nghiệp và đảm nhiệm vận chuyển một khối lượng hàng hóa tương đối lớn (vận tải quá cảnh, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, vận tải nội địa và vận chuyển quặng apatit). Tuyến đường sắt có các đường cong bán kính nhỏ, độ dốc lớn, chất lượng đường kém, đặc biệt là thiếu đá ba lát, ray mòn và cũ, năng lực đường không đảm bảo ở các ga chính, đường tránh quá ngắn không đủ cho toàn bộ chiều dài của cả đoàn tàu; các cầu thì bị hư hỏng do chiến tranh, phá hoại, khai thác lâu ngày đã xuống cấp phải hạn chế tốc độ.
Tuyến ở sát với sông Hồng nên một số khu đoạn nền đường bị xói mòn và cần phải gia cố để đảm bảo độ ổn định. Chính vì vậy dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa bằng đường sắt Hà Nội - Lào Cai và việc giao lưu thương mại, phát triển kinh tế Việt - Trung, loại bỏ những hạn chế về năng lực bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa và ATGT.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 280 triệu USD và được phân kỳ đầu tư thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 167 triệu USD; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 112 triệu USD. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ đáp ứng khoảng 5 triệu hành khách/năm và khoảng 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm; rút ngắn thời gian chạy tàu, tăng mức độ an toàn và tăng khối lượng hàng hóa quá cảnh trên hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng.
Chủ đầu tư dự án là TCT ĐSVN. Đơn vị trúng thầu là liên danh nhà thầu Namkwang - Sampyo (Hàn Quốc). Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của các nhà tài trợ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Tổng vụ ngân khố Bộ kinh tế, tài chính và công nghiệp Pháp (DGTrésor) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, dự án đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB gây ảnh hưởng đến tiến độ, tuy nhiên bằng sự nỗ lực, từng bước tháo gỡ của các đơn vị liên quan, đến nay dự án đã đủ điều kiện khởi công xây dựng. Chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, Dự án vừa triển khai vừa thi công nhưng vẫn phải đảm bảo chạy tàu an toàn. Vì vậy, yêu cầu TCT ĐSVN, Ban quản lý các dự án đường sắt, các nhà thầu và các cơ quan có liên quan tìm mọi biện pháp tốt nhất để thực hiện Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn, về đích đúng tiến độ yêu cầu.
Trước đó vào ngày 15/11/2011, gói thầu xây lắp số 2 (CP2) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai cũng đã được ký kết hợp đồng. Gói thầu có giá trị lớn nhất với 44.184.411 USD. Phạm vi là tuyến đường sắt từ Km 144+750 đến Km 230+00 thuộc địa phận tỉnh Yên Bái, bao gồm các hạng mục chính như tuyến, nhà ga, cầu, cống, gia cố bảo vệ mái dốc ta luy, hệ thống thông tin tín hiệu, điện..., thời gian thi công 36 tháng và 12 tháng bảo hành.