Khái quát Nghiên cứu các phương án phát triển ĐS trên tuyến ĐS Bắc - Nam
Trong giai đoạn 2007 - 2010, đã có 2 nghiên cứu về ĐS Bắc - Nam là "Nghiên cứu Phát triển bền vững ngành GTVT của Việt Nam" (VITRANSS2), trong đó có tiểu nghiên cứu về Dự án ĐS Bắc - Nam và Nghiên cứu tiền khả thi về ĐS Bắc - Nam. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu chi tiết hơn các vấn đề liên quan đến phát triển ĐS Bắc - Nam, gồm các tác động kinh tế - xã hội, môi trường cũng như khả năng huy động vốn, các vấn đề khai thác và quản lý. Vì vậy, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua JICA để thực hiện nghiên cứu này.
Theo Tiến sĩ Iwata Shizuo, trưởng đoàn Đoàn nghiên cứu JICA, Nghiên cứu các phương án phát triển ĐS trên tuyến ĐS Bắc - Nam nhằm mục đích phân tích các kịch bản phát triển, đề xuất qui hoạch tối ưu, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án cho một số đoạn tuyến được chọn và thúc đẩy hiểu biết rõ hơn về dự án ĐS cao tốc Bắc - Nam giữa các bên liên quan. Mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là: Lập qui hoạch phát triển cơ sở cho tuyến ĐS Bắc - Nam (gồm các kịch bản phát triển có tính đến ĐS hiện tại, các phương án hướng tuyến và hạ tầng chính); Lập kế hoạch đầu tư trên cơ sở thiết kế sơ bộ, qui hoạch hệ thống, dự toán chi phí, kế hoạch xây dựng, đánh giá kinh tế và tài chính cũng như các kế hoạch tài chính; Chuẩn bị các tài liệu cần thiết về nghiên cứu môi trường và xã hội; Lập các tiêu chuẩn kỹ thuật sơ bộ cho tuyến ĐS; Lập kế hoạch sơ bộ về phát triển năng lực cho xây dựng, khai thác và bảo trì ĐS.
Theo đề cương Nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, sau khi đánh giá về tuyến ĐS Bắc - Nam, đoàn nghiên cứu đã đưa ra các phương án cải tạo ĐS hiện có (phương án sơ bộ). Theo đó, nghiên cứu cho rằng, không nên chuyển đổi ĐS hiện có sang ĐS cao tốc vì tuyến ĐS hiện nay quan trọng, có nhiệm vụ chia sẻ nhiệm vụ và vai trò với ĐS cao tốc với vận chuyển HK, HH cự ly ngắn, tiếp nối dịch vụ trong và và sau khi xây dựng các đoạn ĐS cao tốc. Nghiên cứu cũng đề xuất định nghĩa lại các phương án kịch bản cải tạo ĐS hiện có: Phương án A1 - chỉ cải tạo đảm bảo an toàn chạy tàu, với đường đơn, khổ 1000mm, tốc độ tối đa tàu khách 90km/h, tàu hàng 60km/h, đường ngang đồng mức, tín hiệu liên khóa tự động, đóng tàu bán tự động ở một số ga. Phương án A2: Phát huy năng lực vận tải trên đường đơn, với đường đơn, khổ 1000mm, tốc độ tối đa tàu khách 90km/h, tàu hàng 60km/h, cải tạo hướng tuyến 2 vị trí (trong đó có đèo Hải Vân), đường ngang đồng mức tự động, tín hiệu liên khóa tự động tất cả các ga, đóng tàu bán tự động. Phương án B1: Tăng cường năng lực vận tải nhờ đường đôi hóa và tăng tốc độ chạy tàu tối đa lên tới 120km/h với đường đôi, khổ 1000mm, tốc độ tối đa tàu khách 120km/h, tàu hàng 70km/h, cải tạo hướng tuyến 3 vị trí, đường ngang đồng mức tự động, tín hiệu AST, liên khóa tự động tất cả các ga, đóng tàu bán tự động. Phương án B2: Xây dựng đường đôi trên cơ sở phương án B1, tiếp tục nâng tốc độ chạy tàu tối đa lên tới 150km/h trở lên (cận cao tốc), với khổ đường 1435mm, đường ngang khác mức, điện khí hóa...
Cần chi tiết hóa và tăng tính hiệu quả của dự án nghiên cứu
Đó là mục tiêu hướng tới của các đại biểu tham dự hội thảo khi đề xuất nhiều ý kiến đóng góp để Đoàn nghiên cứu làm rõ, bổ sung, tập trung vào các nội dung: vấn đề chuyển giao công nghệ, năng lực tiếp nhận của ĐSVN nếu chọn phương án xây dựng ĐSCT song song cải tạo ĐS hiện có; cần xem xét lại phương án xây dựng đường đôi, điện khí hóa trong tương lai gần (đến năm 2020); nghiên cứu qui hoạch hệ thống nhà ga gắn với phương án xây dựng ĐSCT; cần tách bạch đánh giá tác động môi trường chiến lược của toàn tuyến và của từng đoạn tuyến; cần đưa chi phí giải phóng mặt bằng, đảm bảo hành lang ATGTĐS vào chi phí đầu tư sơ bộ của từng phương án... Phát biểu góp ý với đoàn nghiên cứu, Tổng giám đốc ĐSVN Nguyễn Đạt Tường đề nghị đoàn nghiên cứu làm rõ một số vấn đề cụ thể: Các số liệu cần chi tiết hơn để có tính thuyết phục cao; nên nêu rõ chi phí đầu tư của từng dự án dùng chi cho việc gì; nếu vẫn dùng ĐS hiện có, cần đưa các mặt hạn chế vào nghiên cứu khi đánh giá như: ảnh hưởng do mưa lũ, vấn đề vi phạm HLATGTĐS, an toàn đường ngang; cần tính toán và đưa ra lưu lượng vận chuyển cho từng phương thức vận tải khi đánh giá năng lực vận chuyển HK trục ĐS Bắc Nam...
Đây mới là cuộc họp đầu tiên giữa các bên liên quan nhằm giới thiệu sơ bộ nghiên cứu và trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học... để tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu nên chưa thể đưa ra được phương án tối ưu hướng phát triển ĐS Bắc - Nam... Tuy nhiên, để dự án nghiên cứu đạt hiệu quả cao, cần sự đóng góp thông tin, ý kiến của mọi cá nhân, tổ chức như kêu gọi của Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức khi phát biểu tại hội thảo: Bộ GTVT sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp cũng như thành lập nhóm tiếp nhận thông tin (do ĐSVN phối hợp với các ban ngành liên quan thành lập) để tiếp nhận thông tin, ý kiến của các tổ chức, cá nhân... nhằm có phương án giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Hy vọng rằng, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nghiên cứu sẽ sớm đưa ra được phương án tối ưu phát triển ĐS Bắc - Nam và trên cơ sở này sẽ có được sự đầu tư không chỉ từ ngân sách Nhà nước mà còn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi dự án được chính thức phê duyệt như kêu gọi của Phó Tổng giám đốc ĐSVN Trần Quốc Đông trong lời phát biểu bế mạc hội thảo.