Trước đây, người thợ sơn những cây cầu sắt, nhất là vùng biển quanh năm không hết việc, sơn xong đầu này, đầu kia đã bị ăn mòn. PGS - TS Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) là người đã kéo dài được chu kỳ đó. Chị vừa được trao giải thưởng khoa học danh giá Kovalevskaia 2014.
|
Chị Thủy cùng cán bộ phòng thí nghiệm đang làm thí nghiệm kiểm tra độ phản quang của sơn phủ bảo vệ cho công trình giao thông |
Tự bỏ tiền dựng xưởng thử nghiệm
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa (năm 1980) nhưng cô sinh viên Khoa Hóa Nguyễn Thị Bích Thủy lại chọn Viện Kĩ thuật giao thông, nay là Viện KHCN GTVT là bến đỗ cho sự nghiệp. Lý giải cho quyết định có phần “trái khoáy” này, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy bật mí “vì nghe nói ở đây có một máy đo trị số ốc tan”.
Sau một thời gian công tác tại Viện KHCN GTVT, thường xuyên lăn lộn trên những công trình xây dựng và chứng kiến sự xuống cấp của các công trình giao thông trước sự khắc nghiệt của thời tiết, chị Nguyễn Thị Bích Thủy quyết định lựa chọn nghiên cứu phát triển công nghệ sơn chống ăn mòn cho công trình giao thông.
"PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy là cán bộ khoa học rất tâm huyết và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của ngành. Trong nhiều năm nghiên cứu, rất nhiều đề tài do PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chủ trì đã mang lại hiệu quả rất cao trong ngành GTVT. Tôi cho rằng đây là một phần thưởng rất xứng đáng, một vinh dự lớn đối với ngành GTVT”.
Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông
|
Nói sao hết những gian nan của người làm nghiên cứu khi điều kiện cơ sở vật chất của Viện KHCN GTVT phục vụ nghiên cứu về sơn hầu như không có gì. Thời gian đầu, việc nghiên cứu sơn chống ăn mòn phải làm “nhờ” tại các cơ sở thí nghiệm của Khoa hóa trường Đại học Bách khoa và phòng thí nghiệm Hóa của Viện Khoa học VN. Sau đó, bà phải tự bỏ tiền dựng tạm một xưởng thử nghiệm trong bãi đất trống của Viện.
PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Qua các nghiên cứu và thử nghiệm thực tế, sản phẩm sơn chống ăn mòn của ngành GTVT đã được nâng dần từ 5 năm, lên 10 năm, đến nay đạt tuổi thọ là 15 năm, tương đương với những sản phẩm sơn tuổi thọ cao của các nước trên thế giới.
Chỉ tính riêng 4 năm trở lại đây, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chủ trì 29 đề tài và tham gia 40 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước. Kết quả nghiên cứu của bà đã được áp dụng vào thực tiễn, giúp giải quyết triệt để sự ăn mòn kim loại tại các cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu treo Dùng, Giăng (Nghệ An), sửa chữa khe co giãn cầu Cường Thịnh, Suối Bon (Phú Thọ), chế tạo sơn bảo vệ kết cấu thép tuổi thọ 10 năm cho cầu Chương Dương, Đuống (Hà Nội), Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bạch Hổ (Huế)…
|
Bà Thủy trong lễ công nhận chức danh Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 2010 |
Thường xuyên đưa đón con những buổi học xa
Hơn hai chục năm công tác tại Viện KHCN GTVT, thành quả của PGS-TS Thủy để lại không chỉ là các công trình nghiên cứu, ứng dụng mà còn là những kinh nghiệm của người đi trước trao truyền cho lớp sau, góp phần đào tạo nên một tập thể cán bộ nghiên cứu về hóa ứng dụng trong ngành GTVT vững vàng. Bên cạnh đó, bà còn tham gia đều đặn các giờ giảng tại nhiều trường Đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh. PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã đào tạo được nhiều học trò thành danh về ngành Sơn như: Giám đốc kĩ thuật sơn của Yamaha Việt Nam Ngô Quang Hóa; Anh Phạm Duy Quân, phụ trách kỹ thuật Công ty Nippon Paint; Anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật Viện dầu khí..
Ngoài công việc chuyên môn, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy có một gia đình nhiều người mơ ước. Chồng bà là kĩ sư thiết kế giỏi của ngành Đường sắt; con trai đang học thạc sỹ tại Bỉ; con gái học chuyên Anh ngữ trường Chu Văn An, Hà Nội.
“Gia đình luôn luôn là lựa chọn hàng đầu, nếu cuộc sống bắt buộc tôi phải lựa chọn. Song, thật may mắn là tôi có được đến hai lựa chọn cho đời mình. Dù bận rộn đến đâu, tôi cũng gắng thu xếp thời gian cho gia đình, chăm sóc từng bữa ăn, thường xuyên đưa đón con những buổi học xa” - PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy tâm sự.
Các công trình nghiên cứu của PGS - TS Nguyễn Thị Bích Thủy phần lớn đều gắn với giao thông. Đáng kể là công trình nghiên cứu chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa sử dụng trong xây dựng đường ô tô Việt Nam; Chế tạo sơn không dung môi bảo vệ kết cấu thép khu vực biển và ven biển; Chế tạo trụ dẻo Elastome làm dải phân cách mềm trong chỉ dẫn ATGT; Đặc biệt, công trình nghiên cứu chế tạo sơn men bảo vệ kết cấu thép trong GTVT đã đạt giải Nhì Sáng tạo Khoa học Việt Nam (giải VIFOTEC) năm 2013.
|