Sau khi Hà Nội thông xe 2 cầu vượt nhẹ tại Thái Hà – Chùa Bộc và Thái Hà – Láng Hạ cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc chống ùn tắc giao thông, ông Trịnh Văn Minh, Sở Giáo dục Đào tạo Nam Định đã gửi đến VnMedia một phương án xây dựng cầu vượt nhẹ rẽ trái phù hợp với các ngã ba, tư có tiết diện lòng đường nhỏ của Hà Nội để chống ùn tắc. VnMedia giới thiệu đề xuất của ông Minh để các bạn đọc và nhà quản lý tham khảo.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang là vấn đề đặt ra cho ngành giao thông cũng như toàn xã hội. Những năm qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhưng vấn đề ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư cần có nhiều giải pháp khác nữa.
Mô hình cầu vượt rẽ trái do ông Minh đề xuất.
Trước đây giải pháp bịt ngã ba, ngã tư của Hà Nội đã giải quyết được một phần nào ùn tắc giao thông và mới đây khi cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng cũng đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải ngã ba, ngã tư nào cũng đủ rộng để xây dựng cầu vượt lắp ghép thẳng cỡ lớn. Hạ tầng giao thông ở các đô thị cũ, các ngã ba, ngã tư rất gần nhau. Do đó, nếu làm cầu lớn để thông thoáng ở ngã tư này thì tình trạng ùn ứ ở ngã tư tiếp theo dễ xảy ra. Tôi đưa ra một sáng kiến kết hợp thêm một giải pháp cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép dành cho hai làn xe ô tô hạng nhẹ và xe máy rẽ trái.
Tôi gửi tới các độc giả trong cả nước cùng các ban ngành một sáng kiến giảm ùn tắc cục bộ tại ngã ba, ngã tư ở các đô thị lớn. Qua nhiều năm thực tế tham gia giao thông tôi thấy có mấy vấn đề sau đây: Mật độ tham gia giao thông nhiều, hỗn hợp. Ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.
Hạ tầng giao thông đô thị quy hoạch cũ: mặt đường nhỏ hẹp, các ngã ba, ngã tư gần nhau vào các giờ cao điểm nên thường xuyên xảy ra ùn tắc mà nguyên nhân chính là do các làn xe rẽ trái chạy cắt ngang đầu các làn xe đi thẳng.
Hơn nữa, do đèn tín hiệu giao thông lập trình có thời gian, khi đèn đỏ bật lên thì các xe đoạn cuối của dòng phương tiện vẫn còn ở ngã ba, ngã tư. Chính điều này làm lượng xe dồn ứ cục bộ vào giờ cao điểm.
Mô hình cầu vượt rẽ trái do ông Minh đề xuất.
Qua khảo sát một số ngã tư tại các tuyến phố cũ, tôi thấy chỉ giờ cao điểm đường phố Hà Nội mới xảy ra ùn tắc. Khi hết giờ cao điểm các phương tiện tham gia tuy có đông nhưng chỉ hoạt động chậm hoặc bình thường. Vì vậy cần phải có giải pháp điều hòa các dòng xe vào giờ cao điểm, do đó tôi đề xuất “xây dựng cầu vượt nhẹ trên cao bằng thép, lắp ghép dành cho hai làn xe rẽ trái để giảm ùn tắc cục bộ tại các ngã ba, ngã tư'.
Ưu điểm của phương án này là nguyên vật liệu bằng thép dễ chuẩn bị tại các nhà máy, công xưởng. Thi công nhanh, tháo lắp dễ dàng, thời gian thi công ngắn nên ít ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Chi phí đầu tư tài chính thấp.
Ngoài ra, cầu vượt loại này cũng giúp điều hòa lượng xe vừa phải, tránh gây ùn tắc ở ngã tư tiếp theo; Phù hợp với hạ tầng giao thông đô thị hiện có; Khi không cần sử dụng nữa thì tháo lắp chuyển đi nơi khác dễ dàng; Trong thời gian các xe phía dưới đi theo đèn tín hiệu thì hai làn xe rẽ trái đi trên cầu vẫn hoạt động bình thường; Hạn chế được lượng xe dồn ứ tại ngã ba, ngã tư.
Ngoài ra, có thể thiết kế lề đường cho người đi bộ (thêm chức năng dành cho người đi bộ sang đường). Nếu thực hiện được giải pháp này thì về xã hội, mọi hoạt động của người tham gia giao thông ít bị ảnh hưởng. Về kinh tế, ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy vẫn tăng trưởng làm lợi cho nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng có nhược điểm là trong hai làn xe rẽ trái đi trên cầu, có một làn xe bắt buộc phải đi thẳng tới một điểm phù hợp thì mới quay trở lại về đường của minh (trường hợp này kết hợp với giải pháp bịt ngã tư ở Hà Nội). Cầu chỉ dành cho xe máy và ô tô loại nhỏ và về mỹ quan đô thị chưa được phù hợp lắm.
Trên đây là sáng kiến kết hợp với giải pháp bịt ngã tư tại Hà Nội, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế bởi chỉ có thể xây dựng cầu vượt lắp ghép bằng thép dành cho các phương tiện rẽ trái tại các ngã ba, ngã tư với mặt đường hẹp, không thể xây dựng cầu vượt lớn.
“Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã nhận được thư của ông về “sáng kiến xây dựng cầu vượt lắp ghép trên cao bằng thép dành cho xe máy nhằm giảm ùn tắc cục bộ tại các ngã ba, ngã tư”. Uỷ ban ATGT quốc gia sẽ nghiên cứu nghiêm túc.
Hiện Hà Nội và TPHCM đang triển khai xây dựng cầu vượt bằng thép lắp ghép nhẹ tại một số nút giao thông hay ùn tắc. Những nội dung đóng góp của ông, Uỷ ban sẽ chuyển cho các cơ quan xem xét, bổ sung những nội dung phù hợp khi triển khai công việc này”, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp gửi thư cho ông Minh sau khi nhận được đề xuất.