Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như sau: duy trì 20 Công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước: Quản lý đường sắt Hà Hải; Quản lý đường sắt Hà Thái; Quản lý đường sắt Yên Lào; Quản lý đường sắt Hà Lạng; Quản lý đường sắt Vĩnh Phú; Quản lý đường sắt Hà Ninh; Quản lý đường sắt Thanh Hóa; Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh; Quản lý đường sắt Quảng Bình; Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên; Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng; Quản lý đường sắt Nghĩa Bình; Quản lý đường sắt Phú Khánh; Quản lý đường sắt Thuận Hải; Quản lý đường sắt Sài Gòn; Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội; Thông tin tín hiệu đường sắt Bắc Giang; Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh; Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng; Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn.
Bên cạnh đó, thực hiện cổ phần hóa 6 doanh nghiệp sau: Công ty TNHH 1 thành viên In Đường sắt; Công ty TNHH 1 thành viên In Đường sắt Sài Gòn; Công ty TNHH 1 thành viên Xe lửa Dĩ An; Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (đơn vị hạch toán phụ thuộc); Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (đơn vị hạch toán phụ thuộc); Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt (đơn vị hạch toán phụ thuộc).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp trên theo quy định hiện hành; thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa không thuộc diện Tổng công ty giữ cổ phần chi phối.
Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 và điều kiện thực tế của doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ cổ phần Công ty mẹ nắm giữ khi cổ phần hóa các đơn vị nói trên; nghiên cứu phương án sắp xếp các Công ty TNHH 1 thành viên quản lý đường sắt và các Công ty TNHH 1 thành viên thông tin tín hiệu đường sắt theo hướng thu gọn đầu mối và theo khu vực hợp lý và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2012.