Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Sẽ 'trảm' nhà thầu yếu kém tại cao tốc Hà Nội - Lào Cai

05/06/2012 | 13:13

Trước tình trạng chậm tiến độ của dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định nếu nhà thầu không đủ năng lực sẽ kiên quyết thay thế hoặc bổ sung.

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 244 km, có tổng đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA do Tổng công ty đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư. Phần lớn tuyến đường do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu), gồm: tập đoàn Posco, Keangnam, Doosan. Gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, dự án khởi công từ tháng 9/2009, song đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thi công mới đạt 26%, giải ngân đạt 28%.

Tại hội nghị đẩy nhanh tiến độ một số dự án hạ tầng giao thông sáng 6/6, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, nhận định dự án chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng ì ạch, toàn tuyến hiện còn 5,3 km chưa được giải tỏa. Bên cạnh đó, năng lực thi công của các nhà thầu yếu kém, không huy động đủ thiết bị, vật liệu...

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi xuyên qua 5 tỉnh thành. Ảnh: Báo GTVT

Ông Mai Tuấn Anh dẫn chứng, trước khi thi công, các nhà thầu đều khẳng định bố trí đủ tài chính, như tập đoàn Posco cam kết có 400 triệu USD để triển khai 4 gói thầu, song thực tế lại không có. "Các nhà thầu lớn như Doosan, Keangnam, Posco chưa thể hiện được thương hiệu của mình tại dự án này. Yếu kém nhất là Keangnam, hiện tiến độ của nhà thầu này mới đạt 5%. Để đẩy tiến độ, VEC đã yêu cầu thay thế giám đốc các gói thầu chậm tiến độ của nhà thầu Posco, đặc biệt thay thế giám đốc dự án lần thứ ba tại gói thầu của Keangnam", ông Mai Tuấn Anh nói.

Đại diện cơ quan tư vấn giám sát chỉ ra nguyên nhân dự án trì trệ do nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ yếu kém. Tại dự án cao tốc này, trong khi tập đoàn Doosan thuê 20 nhà thầu phụ thì Công ty cầu đường Quảng Tây chỉ thuê 3 thầu phụ và tự triển khai nhiều hạng mục nên tốc độ thi công nhanh hơn. Các thầu phụ thường thuê lao động địa phương có tay nghề thấp, thậm chí là nông dân để làm đường.

"Tuyến đường cao tốc được thi công rất ít, mức độ khó chấp nhận được ở nhiều nước trên thế giới. Nếu các nước có tình trạng này thì chỉ huy công trường phải bị đuổi việc", đại diện tư vấn giám sát bày tỏ.

Giải thích việc chậm tiến độ, đại diện nhà thầu Keangnam đổ lỗi do điều kiện khí hậu bất lợi tại Việt Nam như mưa nhiều và việc giải phóng mặt bằng qua các tỉnh chậm trễ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ không thay đổi mốc hoàn thành vào cuối năm 2013. Nếu nhà thầu nào không thực hiện đúng thời gian sẽ phải chịu trách nhiệm. Để đẩy nhanh tiến độ, các doanh nghiệp cần huy động đủ thiết bị, nhân lực, làm tăng ca. Ban quản lý dự án sẽ xem xét, nếu nhà thầu nào không đủ năng lực sẽ kiên quyết thay thế hoặc bổ sung.

"Các nhà thầu không thể đổ tại mưa nhiều. Trước khi triển khai dự án, họ đã phải nghiên cứu đầy đủ điều kiện khí hậu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các nhà thầu có vướng mắc có thể gửi thông tin trực tiếp cho tôi để giải quyết", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 244 km, là một trong những tuyến cao tốc lớn nhất hiện nay. Điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Phần lớn đường cao tốc sẽ đi ven theo bờ sông Hồng, qua 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo thiết kế, đoạn Hà Nội - Yên Bái có 4 làn xe đạt vận tốc thiết kế tối thiểu 100 km/h; đoạn Yên Bái - Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối thiểu 80 km/h.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án