TEDI ký kết hợp tác với OC - Nhật Bản |
Ông có thể nói gì về sự hấp dẫn của thương hiệu TEDI vào thời điểm này, khi TEDI chuẩn bị được đưa ra IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 26/3 tới?
TEDI thời gian qua đã tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ chi phối, với cổ đông chiến lược là các tư vấn nước ngoài lớn, có tên tuổi. Với công ty mẹ và 10 công ty thành viên, 2 công ty liên kết, tổng cộng khoảng 1.600 CBCNV, TEDI là đơn vị tư vấn thiết kế CTGT lớn nhất nước hiện nay.
Vượt xa các đơn vị tư vấn khác về số lượng nhân lực, TEDI còn là Tư vấn lâu năm nhất, có kinh nghiệm nhất trong các Tư vấn xây dựng CTGT của VN. Trên tất cả các lĩnh vực hoạt động tư vấn xây dựng CTGT: Đường bộ, cầu-hầm, cảng-đường thủy, đường sắt, TEDI luôn đi tiên phong đảm nhận những công trình lớn nhất, phức tạp nhất của đất nước, áp dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thế giới tạo ra bước phát triển đột phá về xây dựng giao thông của VN.
TEDI trong hàng chục năm nay đã xây dựng được quan hệ hợp tác với nhiều hãng Tư vấn quốc tế có tên tuổi: OC, Nippon Koei (Nhật Bản), Louis Berger (Hoa Kì), SMEC (Australia), Chodai, KEI, NE (Hàn Quốc)... Nhiều dự án lớn được thực hiện do liên danh tư vấn TEDI với các tư vấn quốc tế: Cầu Hoàng Long, hầm Hải Vân, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy...
TEDI với tình hình tài chính lành mạnh, giá trị sản lượng gia tăng đều 20%/năm, liên tục trong suốt quá trình hoạt động được ghi nhận là một trong số các đơn vị của ngành GTVT làm ăn có lãi, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với Nhà nước, các chế độ chính sách đối với người lao động và tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện.
TEDI là nơi có các chuyên gia đầu ngành ở tất cả các lĩnh vực tư vấn, có các chuyên gia đứng đầu về quản trị, về tiếp cận thị trường, các bộ phận nghiên cứu phát triển, các phòng thí nghiệm tiến hành các nghiên cứu công nghệ. Công ty mẹ TEDI với uy tín của mình vẫn là đầu mối ký kết hợp đồng, phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ cho toàn Tập đoàn.
Sự tham gia của đối tác Nhật Bản Oriental Consultants Co., Ltd (OC) với vai trò cổ đông chiến lược có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược SXKD của đơn vị?
Công ty OC là một trong những đối tác tư vấn nước ngoài quan trọng của TEDI trong nhiều năm kể từ những năm đầu VN sử dụng ngồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản để triển khai các dự án hạ tầng giao thông.
OC sẽ hỗ trợ TEDI thực hiện thành công chiến lược SXKD sau CPH với những nội dung cụ thể như: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho các chuyên gia, kỹ sư của TEDI trong những lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng mới như: Đường sắt đô thị, sân bay, đường cao tốc, đường và hầm đường sắt, cầu dây văng và hệ thống giao thông thông minh - ITS. Hỗ trợ mở rộng thị trường của TEDI sang các quốc gia khác. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, bao gồm việc xây dựng chiến lược công ty phù hợp và quản trị hướng tới quy mô của một công ty quốc tế.
Sau khi CPH, vốn Nhà nước không còn giữ chi phối, 51% vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước, TEDI có thể tham gia vào các dự án có vốn nước ngoài có quy định chặt chẽ về tính độc lập của Tư vấn?
Theo chính sách của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), doanh nghiệp tư vấn được coi là đủ tư cách tham gia đấu thầu các dự án sử dụng vốn do các tổ chức này tài trợ khi đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Tự chủ về mặt pháp lý; Tự chủ về tài chính; Hoạt động theo luật thương mại; Không phải là một cơ quan trực thuộc của Bên vay hay Bên vay lại.
Bên vay hay Bên vay lại bao gồm: Chủ đầu tư, Bên mua, Khách hàng, có nghĩa là cơ quan hoặc đơn vị thực hiện dự án.
Chúng tôi hy vọng, việc Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ của TEDI sau khi CPH sẽ được các tổ chức tài trợ quốc tế như ADB, WB ghi nhận là đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định về tư cách hợp lệ để TEDI mở rộng được thị trường, bình đẳng tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn vay ADB và WB kể cả các dự án do Bộ GTVT làm Chủ đầu tư.
Thưa ông, định hướng sản xuất và kinh doanh của TEDI sau khi CPH có những thay đổi gì lớn so với hiện tại?
TEDI vẫn tập trung duy trì, phát triển dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là lĩnh vực trọng tâm, lâu dài, là nền móng cho sự phát triển bền vững và ổn định.
Cùng đó, sẽ đầu tư mở rộng, phát triển các dịch vụ tư vấn khác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, nhằm mở rộng thị trường và đa dạng hóa khách hàng. Xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên cơ sở đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ mới trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và triển khai ngành nghề kinh doanh ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng kết cấu hạ tầng, theo định hướng thân thiện với môi trường; Vận dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật, công nghệ tin học mới nhất vào sản xuất để tăng năng suất lao động.
TEDI cũng sẽ phát huy thế mạnh xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn đào tạo, phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; Xây dựng đội ngũ kỹ sư chủ nhiệm dự án, chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì hạng mục ngày càng có chất lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp đáp ứng khả năng và yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho thị trường khu vực và quốc tế.
Để làm được điều đó, cần có sự đổi mới sâu sắc và hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án (theo mô hình Giám đốc dự án), tổ chức và dây chuyền tạo sản phẩm. Tiếp tục nâng cao một bước đơn giản về thủ tục, thống nhất trong hệ thống, hiệu lực trong quản lý, hiệu quả trong kinh doanh, thân thiện trong quan hệ giữa quản lý và sản xuất, tôn trọng luật pháp và quan tâm lợi ích của cộng đồng, khách hàng. Xây dựng hệ thống các công ty thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân bố thị trường hợp lý, tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo tính liên kết chặt chẽ trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập và bảo đảm lợi ích các bên cùng nhau gìn giữ, tạo dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp.
Trong năm đầu tiên, dự tính cổ tức TEDI sẽ ở mức nào, thưa ông?
Theo quyết định xác định giá trị doanh nghiệp thời điểm CPH, vốn điều lệ của Tổng công ty là 125 tỷ đồng, dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 14% trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, lợi nhuận khoảng 15%, cổ tức khoảng 6-8% là tương đương lãi suất tiết kiệm. Như vậy xét về đầu tư tài chính đơn thuần thì cũng đáp ứng được lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư vấn cổ tức không phải là tất cả. Vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với TEDI không chỉ là cổ tức mà chính là quan tâm đến nghề, đội ngũ kỹ sư tư vấn, sự phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.
Cảm ơn ông!