Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Tiểu dự án đường sắt Hạ Long- Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ “Tổng tiến công” để có thể thông xe trước 31/12

26/11/2011 | 13:09

Chúng tôi trở lại công trường xây dựng Tiểu dự án 1 từ Cảng Cái Lân đến Ga Hạ Long (Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân) vào ngày cuối tuần, không khí thi công trên công trường không còn sôi động, bởi hình hài con đường, nhà ga, bãi hàng đã hiện rõ, đẹp như tranh vẽ trong nắng hanh vàng cuối thu đầu đông.

Tuy nhiên, để có thể thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12 tới đây, vẫn còn một số hạng mục cần phải đẩy nhanh tiến độ, thậm chí cần sự vào cuộc “quyết liệt” của chính quyền địa phương.

Đã rõ hình hải của con đường
Đã rõ hình hài của đoạn đường sắt Hạ Long- Cái Lân

Trên đoạn đường dài 5,6km, chúng tôi vẫn gặp nhiều tốp thợ đang hoàn thiện phần rãnh thoát nước, đường nhánh đấu nối lên cầu, nút giao QL270, Nút giao vào Cảng Cái Lân, san lấp đoạn đặt đường đoạn vừa bị sụt trượt... Trên công trường, những người thợ của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty CP Công trình đường sắt đã rút đi, nhưng nhiều công nhân của Công ty CP Xây lắp dầu khí 1, của Công ty 126, Công ty XDCTGT 829, Công ty Thành An… vẫn hối hả thi công những hạng mục cuối cùng. Công việc san lấp nền đường, đặt đường sắt được phối hợp nhịp nhàng, việc thi công nhà ga, bãi hàng, hệ thống thông tin tín hiệu… đang được triển khai đồng loạt, khẩn trương.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban Điều hành ở tiểu dự án này cho biết: Khó khăn hiện tại làm đau đầu Chủ đầu tư là vẫn còn hơn chục hộ dân không giao mặt bằng do chưa nhận chấp nhận mức tiền bồi thường. Nhiều hạng mục đã xong 75-80%, có hạng mục đã xong tới 90%, tuy nhiên, nếu không được giao mặt bằng, nếu nhà thầu vẫn thi công theo kiểu cầm chừng thì việc thông xe trước ngày 31-12 này là vô cùng khó khăn. Tiến độ ở tiểu dự án này gần như không còn điểm lùi. Và, nếu càng chậm, thì tổng mức đầu tư càng tăng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Điều đặc biệt với tôi là gặp lại ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt ngay trên công trường. Tiến độ thông xe kỹ thuật đang tính từng ngày, khiến việc đi về giữa Hà Nội và Quảng Ninh của ông dày đặc hơn. Chứng kiến cảnh ông chỉ huy, điều hành trên công trường mới thấy, nhận xét của nhiều người về ông quả là không sai. Rằng đây là “người của công việc”, “người làm việc 4 trong 1”, “ người dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Quả thật, tôi ít thấy, một giám đốc ban dự án xuống xe ô tô đi bộ cả cây số, gặp từng người công nhân để hỏi tình hình, thậm chí đưa ra cả giải pháp khả thi ngay trên công trường mà không cần chờ khâu thiết kế… Dường như những kinh nghiệm điều hành ở PRMU trước đây đã được ông tiếp tục trải nghiệm ở Ban quản lý dự án đường sắt của Cục ĐSVN, một ban hoàn toàn mới với những dự án đầu tay.

Sau khi nắm tình hình cụ thể trên công trường, lúc lên xe, lúc đi bộ dọc theo tuyến đường dài 5,6 km, tôi thấy ông rút điện thoại gọi ông Liêm, Giám đốc Công ty 126; ông Sơn, Trưởng Ban dự án của Tổng Công ty Thành An; ông Tuấn, Giám đốc Điều hành của Công ty CPXL Dầu khí 1, ông Văn, Giám đốc Công ty 829... Không phải là người trong nghề để hiểu hết những điều các ông trao đổi, nhưng tôi đã thấy họ ngoắc tay cam kết cùng nhau hành động “ 4 trong 1” để có thể thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12-2011. Và như thế, 1/8 công trình trọng điểm của Bộ GTVT trong năm 2011 sẽ cán đích đúng hẹn. Nỗi lo trong bối cảnh cắt giảm, giãn hoãn dự án các công trình trọng điểm của lãnh đạo Bộ GTVT sẽ nhẹ đi phần nào.

Nhà kho trong ga Cái Lân đang được công nhân của Tổng công ty Thành An hoàn thiện
Nhà kho trong ga Cái Lân đang được công nhân của
Tổng công ty Thành An hoàn thiện

Được biết, Tiểu dự án 1: Hạ long-Cảng Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ bao gồm gói thầu xây lắp gồm gói 1, 2, 5, 7, 8, 9. Trong đó gói số 1: Bãi xếp dỡ trong cảng Cái Lân do Liên danh Công ty XDCT 120- Công ty Xây dựng và Thương mại trúng thầu thi công. Công trình được khởi công từ 20/6/2005, thời gian hoàn thành theo hợp đồng 320 ngày. Tuy nhiên, do năng lực tài chính kém, từ tháng 2/2009 Công ty CP Xây dựng & Thương mại đã xin rút khỏi dự án; Công ty XDCT&ĐT 120 ( Cienco 1) đã xin gia hạn hợp đồng nhưng dù có cố gắng cũng chỉ thực hiện được 73,5% khối lượng công việc rồi bỏ cuộc, xin thôi. Hiện Ban quản lý dự án đã báo cáo lên Cục ĐSVN xin thay thế nhà thầu.

Gói thầu số 2, Ga Cái Lân do Liên danh Công ty đường 126 và Công ty CP Xây lắp dầu khí 1 thi công, công việc san lấp những đoạn đường cuối cùng, đồng thời với việc đặt đường đang được tiến hành khẩn trương. Ray, tà vẹt đã tập kết thành đống cao tại chân công trình. Gói thầu số 5 thi công nền đường sắt Hạ Long- Cái Lân do Công ty XDCTGT 829 đảm nhận, Gói thầu số 7 gồm các công trình kiến trúc điện và nước do Tổng công ty xây dựng Thành An- Bộ Quốc Phòng đảm nhận, Gói thầu số 8 thi công lắp đặt kiến trúc tầng trên đường sắt Hạ Long- Cái Lân do Tổng công ty XDCTGT 1 thi công; Gói thầu số 9, đường vào cảng và ga Cái Lân do Liên danh Tổng công ty XD Thăng Long- Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt- Công ty CP xây lắp dầu khí 1 thi công đã cơ bản hoàn thành, những hạng mục cuối cùng đang được hoàn thiện.

Vẫn còn hơn chục hộ gia đình không chịu giao mặt bằng

Ở Tiểu dự án này vẫn còn hai chục hộ gia đình, đã nhận tiền đền bù nhưng
vẫn không chịu giao mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án Cục Đường sắt VN cho biết: Đây là tuyến đường sắt được đầu tư lớn với tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Tuyến đường này nằm trong tổng thể đường sắt hành lang Đông - Tây, góp phần hoàn thiện mạng lưới GTVT khu vực phía Bắc, nhất là khu tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh.

Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện NQ 11/CP phải cắt giãn hoãn tiến độ, nên tiến độ thi công của dự án không đảm bảo. Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long- Cái Lân, là một công trình trọng điểm của Bộ GTVT năm 2011, nên Chủ đầu tư cùng với các nhà thầu, chính quyền địa phương đều đang quyết tâm để có thể thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12 này.

Ông Lục cũng cho biết, nỗi lo lớn nhất của ông hiện tại, vẫn là 3 “đường găng”, mà theo ông nếu không triển khai được trong tuần đầu của tháng 12-2011, thì khó có thể cắt băng thông xe kỹ thuật trước 31-12.

Đường găng số 1 là nút giao vào cảng Cái Lân, nếu ngăn lại để làm thì gây ắc tắc với xe giao nhận hàng vào cảng. Giải bài toán này theo ông là thi công đoạn giữa trước để xe đi hai bên cánh gà, một số có thể đi nhờ qua cổng Khu công nghiệp Cái Lân;

Đường găng thứ hai, là nút giao QL 279, việc thi công ở đây khó khăn vì độ dốc lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, chủ yếu phải làm vào ban đêm lại đang vướng do thủ tục cấp phép đường sắt giao với đường bộ;

Đường găng thứ ba là đoạn sụt trượt, tuy khối lượng công việc không nhiều, nhưng nếu đơn vị thi công cầm chừng vì thiếu dầu như những ngày qua thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Đoạn sụt trượt đang được Công ty CP xây lắp Dầu khí 1 thi công khẩn trương
Đoạn sụt trượt đang được Công ty 829 thi công khẩn trương
Vật tư đã sẵn sàng chờ giờ hành động
Vật tư đã sẵn sàng chờ giờ hành động" 4 trong 1"

Chúng tôi rời công trường trong chiều muộn, nhận rõ sự âu lo từ giám đốc ban dự án đến giám đốc điều hành, lãnh đạo các nhà thầu vẫn nặng trĩu, bởi tiến độ thông xe kỹ thuật đang tính từng ngày, khó khăn về mặt bằng vẫn còn đó, nhưng ai nấy đều rất vui và quyết tâm sẽ hoàn thành công việc trước ngày 22-12-2011, để có thể cắt băng thông xe kỹ thuật trước ngày cuối cùng của năm 2011, năm được đánh dấu là khó khăn nhất với ngành GTVT.

Tuyến đường sắt Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân, chạy song song với Quốc lộ 18, dài 130km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Trong đó có khoảng 40km sẽ được làm mới hoàn toàn, 90km còn lại là cải tạo, nâng cấp từ đường sắt cũ, bảo đảm cho tàu khách chạy với tốc độ 120km/h, tàu hàng vận tốc 80km/h. Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, chia thành 4 tiểu dự án: Tiểu dự án Hạ Long- Cảng Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ; tiểu dự án Phả Lại- Hạ Long; tiểu dự án Lim- Phả Lại và tiểu dự án Yên Viên- Lim. Chủ đầu tư là Cục đường sắt Việt Nam, được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ với hơn 7.000 tỷ đồng (đã điều chỉnh)

Tiểu dự án 1: Hạ Long – cảng Cái Lân & Cầu vượt Bàn Cờ có tổng mức đầu tư hơn 1.510 tỷ đồng. Toàn tiểu dự án được chia làm 22 gói thầu (trong đó 9 gói thầu xây lắp). Ga Hạ Long được cải tạo nâng cấp trở thành ga lập tầu khách đạt tiêu chuẩn Quốc tế và khách với 6- 7 đôi tàu khách/ ngày đêm cho giai đoạn 2010 và 10-11 đôi cho giai đoạn 2015- 2020. Trong đó có 6 đường đón gửi tàu, nhà ga có phòng đợi 280 m2. Dự án hiện đang trong giai đoạn nước rút để thông xe kỹ thuật vào 31-12-2011.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án