Trước thực trạng trên, ĐSVN và các công ty vận tải hành khách ĐS đã kịp thời đưa ra một số quyết sách nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu hút hành khách đến với ngành ĐS.
Kích cầu kịp thời
Trước dấu hiệu sụt giảm về nhu cầu hành khách, giữa tháng 7-2012, cùng với việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ, ĐSVN đã chỉ đạo các công ty vận tải hành khách ĐS tiến hành điều tra, nắm bắt về đặc điểm, nhu cầu đi lại của hành khách trên từng khu đoạn, tuyến đường, làm cơ sở để xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, hợp lý cho từng khu đoạn, tuyến đường, loại chỗ ở từng thời điểm nhằm nâng cao sức cạnh tranh đối với các phương tiện vận tải khác trên cùng cung chặng, thu hút hành khách đi tàu.
Giá vé hợp lý - một trong những yếu tố quan trọng thu hút hành khách đi tàu.
Đồng thời, ĐSVN đã nhanh chóng triển khai biện pháp kích cầu với việc giảm giá vé hành khách trên tuyến ĐS Thống Nhất. Cụ thể: từ ngày 2-8 đến hết ngày 4-9-2012, áp dụng giảm 2% đến 8% giá vé cho hành khách đi đường dài (tất cả các loại vé) trên tất cả các đoàn tàu khách Thống Nhất (SE và TN) và từ ngày 5-9-2012 đến hết ngày 31-12-2012, giá vé tàu Thống Nhất sẽ được giảm từ 10% đến 13% mức giá đang áp dụng trong dịp hè 2012. Theo đó: giá vé nằm mềm khoang 4, tầng 1 có điều hòa tàu SE3/4 Hà Nội - Sài Gòn đang áp dụng trong dịp hè là 1.996.000 đồng, thì giá vé từ ngày 5-9-2012 còn 1.740.000 đồng (giảm gần 13%); giá vé nằm mềm khoang 4, tầng 1 có điều hòa tàu TN1/2 Hà Nội - Sài Gòn đang áp dụng trong dịp hè là 1.410.000 đồng, thì giá vé từ 5-9-2012 còn 1.282.000 đồng (giảm gần 10%).
Các công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá vé đối với hành khách đi trên các đoàn tàu khách địa phương do đơn vị quản lý, khai thác, như: dành riêng toa xe trong đoàn tàu để bán vé giảm giá đặc biệt; giảm giá vé cho các tập thể đi tàu từ 20 người trở lên; giảm giá vé cho hành khách đi tàu không phải ngày cuối tuần... với mức giảm bình quân từ 3% đến 20%.
Việc triển khai biện pháp kích cầu kịp thời, kết hợp với sự chủ động, nỗ lực, cố gắng của tất cả các đơn vị, từ cấp ngành đến các đơn vị cơ sở bước đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh về nhu cầu của hành khách. Kết thúc tháng 8-2012, sản lượng hành khách ĐS đã vượt kế hoạch đề ra và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011: hành khách lên tàu 1,08 triệu lượt, đạt 100,7% và bằng 101,6% so với cùng kỳ; HK.km đạt 400,1 triệu HK.km, bằng 102,3% so với cùng kỳ. Cùng với sản lượng, doanh thu vận tải của các công ty vận tải hành khách cũng có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ 2011, trong đó: Công ty VTHK ĐS Hà Nội đạt 135,1 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch và bằng 110,5% so với cùng kỳ; Công ty VTHK ĐS Sài Gòn đạt 104,6 tỷ đồng, đạt 104,6% kế hoạch và bằng 117% so với cùng kỳ.
Một số đề xuất
Để hoàn thành các chỉ tiêu về vận tải hành khách mà Đảng bộ ĐSVN đã đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2012 (hành khách lên tàu tăng 3%, HK.Km tăng 5%, doanh thu tăng trên 12% so với cùng kỳ 2011), các đơn vị trực tiếp kinh doanh, khai thác vận tải ĐS cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Trước hết, chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga, trong đó từ việc lớn là tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử với hành khách, đến việc nhỏ hơn là công tác vệ sinh, chất lượng dịch vụ ăn uống trên tàu cần tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa. Bởi lẽ, trong các dịp cao điểm (Tết, hè, nghỉ lễ dài ngày), khi tất cả các phương tiện vận tải đều rơi vào tình trạng quá tải, cung không đủ cầu thì hành khách ít quan tâm đến chất lượng phục vụ mà thường đặt mục tiêu mua được vé để thỏa mãn nhu cầu đi lại lên hàng đầu và vì thế hành khách dễ thông cảm nếu chất lượng dịch vụ chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, những tháng cuối năm là dịp không cao điểm, cung sẽ vượt cầu, các hãng vận tải đều đưa ra những chính sách khuyến mãi hấp dẫn thu hút hành khách, lúc này hành khách lại lấy chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ làm tiêu chí lựa chọn phương tiện đi lại. Như vậy, cùng với các biện pháp kích cầu, chất lượng phục vụ tốt sẽ là nhân tố quan trọng nâng cao tính cạnh tranh, thu hút hành khách, nâng cao sản lượng và doanh thu vận tải hành khách ĐS trong dịp không cao điểm.
Tiếp đó, cần chú trọng, thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, đặc biệt là công tác tiếp thị, quảng bá các hình thức giảm giá vé hành khách của ĐSVN và các công ty vận tải hành khách đã và sẽ triển khai (nếu có) trong thời gian tới, như: chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương kích cầu, các chương trình khuyến mãi giảm giá vé cho các cơ quan, tập thể; tăng cường phát thanh tuyên truyền tại các nhà ga, trên các đoàn tàu; in ấn, phát hành tờ rơi tuyên truyền… Qua đó, đưa chủ trương kích cầu, chương trình ưu đãi và giảm giá vé của ĐSVN thực sự đến được với hành khách, giúp hành khách có thông tin để so sánh và lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại.
Về lâu dài, các đơn vị cần nhanh chóng điều tra, nắm bắt thực tế nhu cầu hành khách trên từng cung chặng và nhu cầu sử dụng từng loại chỗ trên từng đoàn tàu theo chủ trương của ĐSVN, làm cơ sở để xây dựng giá vé linh hoạt theo hướng: đoạn nào nhu cầu hành khách ít thì giảm giá, loại chỗ nào hành khách ít có nhu cầu thì giảm giá… để thu hút hành khách đi tàu, và ngược lại sẽ điều chỉnh tăng để nâng cao hiệu quả khai thác nhằm nâng cao sản lượng và doanh thu vận tải hành khách ĐS, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh vận tải những tháng cuối năm 2012.