Văn hóa doanh nghiệp
Có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp (VHDN) như là các giá trị tinh thần, vật chất và tri thức… được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, trở thành quan niệm, tập quán, truyền thống của doanh nghiệp đó. VHDN là thứ keo vô hình để gắn kết họ với nhau, yêu quí công ty, tự hào về DN, coi DN như gia đình của mình và làm cho DN phát triển đúng hướng.
Hoạt động của DN là kinh doanh một cách có văn hóa. Lãnh đạo và toàn thể CBCNV cần chủ động tạo ra những giá trị văn hóa mong muốn, cùng thống nhất các giá trị văn hóa mong muốn. Giá trị, chuẩn mực là thước đo được thừa nhận trong tổ chức, công ty nhằm nhận định “đúng”, “sai”, “phù hợp”, “không phù hợp”. Mỗi DN có một hệ thống giá trị và chuẩn mực riêng của mình. Do vậy, cùng một việc nhưng có thể được đánh giá khác nhau tại các DN khác nhau. Như trên đã nói, VHDN làm cho công ty, DN phát triển đúng hướng. Công ty có văn hóa phải có định hướng, mục tiêu, tôn chỉ, phát huy sở trường kinh doanh của DN, không chạy theo phong trào. Từ đó phải xác định i) “Sứ mệnh” - Lý do tồn tại của DN, ví dụ để vận tải hành khách số lượng lớn, vận tải hàng hóa siêu trường siêu trọng, phát triển cơ sở hạ tầng; ii) “Tầm nhìn” - DN cần đạt được những mục tiêu gì trong tương lai, ví dụ đứng thứ mấy trong số các DN cùng lĩnh vực kinh doanh, chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần; iii) “Giá trị cốt lõi”, ví dụ tính kỷ luật cao, an toàn, đúng giờ, tiện nghi, không “cơm tù”, không say tàu…
VHDN còn có một nội dung quan trọng nữa đó là văn hóa giao tiếp với thế giới bên ngoài, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác trong và ngoài nước, các nhà cung ứng dịch vụ, là tinh thần thái độ phục vụ khách hàng, là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Những người ngoài khi tiếp xúc với con người hay sản phẩm của công ty thì cảm nhận được tính chuyên nghiệp, bài bản của DN thông qua VHDN, từ đó giá trị DN, giá trị thương hiệu được nâng cao.
Ở nước ta, ĐSVN mới chuyển dần từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường nên còn nhiều bất cập. Khái niệm văn hóa doanh nhân, VHDN còn mới mẻ. Mới có ít DN quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty nên nói chung người lao động chưa coi trọng tu dưỡng văn hóa nghề nghiệp. Các DN khi tuyển dụng hầu như không coi trọng tìm hiểu lịch sử của ứng viên tại DN cũ. Trong Luật Lao động cũng có điều khoản cấm nhận xét xấu đối với người lao động. Tập quán này tạo cho những nhân viên “phá bĩnh” tâm lý coi thường lãnh đạo, coi thường DN mà mình từng làm việc. Những cá nhân như thế là lực cản rất lớn trong việc xây dựng VHDN. Do vậy, khi tuyển dụng cần coi trọng đạo đức tư cách, văn hóa cá nhân, cần điều tra lí lịch ứng viên.
Ngoài các yếu tố tinh thần (phi vật thể) như trên, VHDN còn biểu hiện qua các yếu tố vật chất (vật thể): logo, nhà cửa, độ sạch sẽ của môi trường, màu sắc, bài trí văn phòng, trang phục, nhà văn hóa, nhà nghỉ dưỡng, sân chơi thể thao… Lâu nay, chúng ta gọi chung những thứ này là diện mạo DN công ty. Yếu tố vật chất cụ thể hóa giá trị văn hóa của công ty. Diện mạo công ty thể hiện những đặc trưng của công ty và đặc trưng về văn hóa của lãnh đạo công ty. CBCNV công ty khi đến một thành phố xa lạ mà thấy hiện diện biểu tượng của công ty thì cảm thấy ấm áp, gần gũi, tự hào. Khách hàng cũng nhờ đó mà nhận diện sản phẩm công ty.
VHDN phát triển đi lên theo 5 cấp độ từ thấp đến cao cùng với trình độ phát triển chung của cả xã hội (như trên đã nói, xã hội có tác động lớn đến văn hóa từng và ngược lại):
Cấp một: VHDN mới được hình thành, chưa thực sự trở thành một công cụ trong quản lý.
Cấp hai: VHDN trở thành một công cụ trong quản lý và kinh doanh, là công cụ quan trọng làm cho mọi người trong DN thực hiện những nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao. Đạo đức, chữ tín trong kinh doanh được tôn trọng.
Cấp ba: VHDN trở thành một bộ phận không thể thiếu, trở thành một tố chất văn hóa trong mọi ứng xử của người lao động, DN coi việc đáp ứng yêu cầu về văn hóa của mỗi nhân viên trong DN là nhiệm vụ tất yếu và thường xuyên trong quản lý.
Cấp bốn: VHDN đã đóng góp lớn và là một trong những nhân tố, động lực thay đổi môi trường văn hóa tổng thể của toàn xã hội, của đất nước trong từng thời kỳ, làm cho môi trường văn hóa, xã hội chung ngày càng hoàn thiện.
Cấp năm: Các DN đều đạt đến trình độ văn hóa kinh doanh cao, tạo được ấn tượng, hình ảnh chung về văn hóa và thương hiệu quốc gia.
Thực trạng VHDN trong ĐSVN
VHDN ở các đơn vị ĐSVN hầu hết được hình thành một cách tự nhiên ngay từ khi đơn vị mới được thành lập và biến đổi theo từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, một vài đơn vị ĐS đã quan tâm xây dựng một cách có ý thức. Tại các đơn vị này cần đánh giá cấp độ hiện tại để có kế hoạch chuyển sang cấp tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn chung các đơn vị còn lại chưa có ý thức xây dựng VHDN. Các nội dung “Chính quy - văn hóa - an toàn”, “Thiếu nhi bảo vệ an toàn ĐS”, Hệ thống quản lý chất lượng, Hội thao hàng năm, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, khuyến học, vì người nghèo, hỗ trợ giúp đỡ huyện Quế Phong, bài ca “Tự hào ĐSVN”, “Đoàn kết - Kỷ luật - Sáng tạo”, “Nụ cười trong suốt hành trình của bạn”. . . còn rời rạc, chưa cấu thành hệ thống liên hoàn, chưa tập hợp thành phông, nền “VHDN”. Các nội dung mới chỉ là các mảng riêng lẻ của bức tranh lớn. CBCNV chưa nhận thức được mối liên hệ chặt chẽ giữa các nội dung do các tổ chức khác nhau phát động. Lãnh đạo nhiều đơn vị chưa nhận thức và đánh giá được tầm quan trọng của VHDN, do vậy nhiều khi còn chưa chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nội dung được phát động, chưa cân nhắc xem hoạt động đó có nằm trong khuôn khổ chủ đạo của VHDN mình hay không… Tóm lại, VHDN ở phần lớn các đơn vị ĐS hiện mới chỉ ở mức 1.
Thực trạng đó dẫn đến các bất cập tất yếu: nhiều nét văn hóa chưa phù hợp, đơn thư tố cáo, khiếu nại, bỏ việc, thôi việc, phát ngôn bất lợi cho ngành, có lúc lơ là công tác an toàn, thái độ phục vụ khách hàng kém, các đoàn tàu chưa có màu sắc thống nhất để phân biệt với các đoàn tàu của công ty khác… Lãnh đạo các cấp lo lắng về tư tưởng của CBCNV, bị động trong việc đối phó với các diễn biến trong tư tưởng.
Tuy vậy, ngành ĐS có truyền thống tốt, nhiều thành tích, có không ít các đơn vị và cá nhân anh hùng; tính kỷ luật đã được công nhận. CBCNV ngành ĐS có tính đoàn kết, thương yêu đùm bọc, quan tâm đến nhau khi có việc hiếu, hỷ. Đó là những nét đẹp văn hóa phù hợp, tôn vinh và phát huy tại các đơn vị.
Những nội dung cần làm để tiếp tục xây dựng VHDN tại ĐSVN
- Lãnh đạo các cấp: được đào tạo và nhận thức tầm quan trọng của VHDN, cam kết quan tâm chỉ đạo và gương mẫu thực hiện, coi VHDN là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý.
- Chỉ đạo các đơn vị xây dựng định hướng phát triển: “Sứ mệnh”, “Tầm nhìn”, “Giá trị cốt lõi” theo đặc thù của đơn vị.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý và thực hành: phân công công việc, khen thưởng, phê bình, xử lý nghiêm minh, phân phối công bằng, minh bạch, quản lý tốt nguồn nhân lực, bổ nhiệm, tuyển dụng, đào tạo cán bộ, có chính sách thu hút lao động chất lượng cao, giám sát việc thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở.
- Có quy tắc giao tiếp, ứng xử: thái độ, chào hỏi, chúc mừng, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, nói lời hay, thái độ phục vụ khách hàng, dũng cảm, thật thà, ân cần, chân thành, lịch sự, ngoại giao trong và ngoài nước.
- Quan tâm các yếu tố vật chất hữu hình (vật thể): nhà cửa, kiến trúc, bài trí văn phòng, trang trí, vệ sinh nơi làm việc, 5S, cây cảnh, logo, đồng phục, brochure (sách giới thiệu công ty), hình ảnh quảng cáo, màu sắc trên các đoàn tàu.
- Các yếu tố tinh thần (phi vật thể): bài hát, lễ nghi, lễ hội, hội thao, hội diễn, các hoạt động tuyên truyền (PR), ý thức về thương hiệu, tự hào, sáng tạo, hăng say học tập, slogan (khẩu hiệu), ý thức bảo vệ môi trường.