Vượt kế hoạch giải ngân
Năm 2011, công tác đầu tư XDCB là lĩnh vực gặp khó khăn nhất do ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã kịp thời xây dựng và triển khai chương trình hành động Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP để đảm bảo không có biến động lớn.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT cũng thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch, lập danh mục các dự án tạm dừng, giãn tiến độ, dành ưu tiên vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012, các dự án trọng điểm, cấp bách và vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Chính vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn nhưng kết quả giải ngân trong năm 2011 toàn ngành GTVT rất khả quan và hầu hết các nguồn vốn đều vượt xa kế hoạch. Trong đó, với nguồn ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu năm chỉ 7.190 tỷ đồng và tháng 12/2011 mới bổ sung vốn đối ứng 1.150 tỷ đồng nữa, nhưng ngành GTVT đã thực hiện 11.900 tỷ đồng, đạt 165,5% kế hoạch và so với năm 2010 tăng 3,6%; giải ngân 12.316 tỷ đồng, đạt 168,8%, tăng 18,8% so với 2010. Các dự án ứng trước kế hoạch, 12 tháng năm 2011 thực hiện 1.498 tỷ đồng, đạt 107%.
Với nguồn trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng giao đầu năm 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên trong 12 tháng năm 2011, toàn Ngành thực hiện hơn 12.816 tỷ đồng, đạt 116,5% kế hoạch. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án BOT như: Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn Vành đai II - Dầu Giây), năm 2011 khối lượng thực hiện đạt 8.787,5 tỷ đồng, giải ngân đạt 8.622 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2011, ngành GTVT đã hoàn thành và thông xe hàng loạt dự án quan trọng như: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Dự án đường Nam sông Hậu, thông xe các cầu trên QL1 đoạn Cần Thơ - Năm Căn, cầu Ngọc Tháp, Nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hợp long cầu Đầm Cùng...
Đồng thời với đó, rất nhiều dự án lớn khác cũng được khởi công xây dựng mới như: Nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Cổ Chiên QL60, các gói thầu đường vành đai 3 TP. Hà Nội, hai Tiểu dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh, đường nối Nội Bài - Nhật Tân, nâng cấp mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (BOT), khôi phục, cải tạo QL20 nối từ tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Lâm Đồng (BT), cầu Vĩnh Thịnh, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai...
Nỗ lực ngay từ đầu năm
Trong năm 2012, do tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ nên chắc chắn các nguồn vốn đầu tư cho XDCB giao thông vẫn sẽ bị tác động và gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian tới ngành GTVT phải thực hiện nhiệm vụ tạo bước đột phá phát triển hạ tầng giao giao thông, chính vì vậy công tác XDCB trong năm 2012 và các năm tới đây sẽ hết sức nặng nề.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ GTVT cần phải có sự nỗ lực lớn ngay từ đầu năm để thực hiện và giải ngân các dự án. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt là những dự án chưa đảm bảo tiến độ, các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án quan trọng trong Ngành. Đồng thời, các chủ đầu tư, ban QLDA phải tăng cường phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh công tác GPMB phục vụ thi công dự án.
Do tình hình thiếu vốn ảnh hưởng nặng nề tới rất nhiều công trình, dự án ngành GTVT, nên trong năm 2012, Bộ GTVT sẽ huy động tối đa các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước và từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Ngoài vốn ngân sách Nhà nước, ODA, ngành GTVT sẽ chú trọng tới việc phát hành trái phiếu, công trái, BOT, PPP, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan.
Những nguồn vốn này là hết sức quan trọng cho các dự án công trình giao thông trong bối cảnh thiếu vốn và phải thực hiện nhiệm vụ tạo bước đột phá về hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước những năm sắp tới.