Hotline: 04 3 7714 276
Tri thức trí tuệ - Phát triển tương lai - Bền vững lâu dài - Nâng tầm cuộc sống

Lạm phát năm 2011 vẫn tăng vượt mục tiêu 18%

22/12/2011 | 14:09

Đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các giải pháp quyết liệt đã được triển khai đồng bộ trong suốt một năm qua nhưng với các tác động phức hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vẫn “vọt” qua chỉ tiêu kế hoạch 18% lên mức 18,13%.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 12 tăng 0,53% so với tháng 11.

Như vậy, trong năm 2011, CPI tăng 18,13%. Mức tăng CPI tháng 12 có cao hơn mức 0,39% của tháng trước, nhưng vẫn tương đối thấp nếu so với các tháng cuối năm, giáp Tết Nguyên đán.

Theo các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng này chịu ảnh hưởng rất lớn từ mức tăng 1,4% của các mặt hàng lương thực nói riêng và mức tăng 0,69% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nói chung.

Mặt hàng may mặc mũ nón, giầy dép cũng là nhóm hàng tăng cao nhất (0,86%) do tăng cầu tăng mạnh với thời tiết thật sự vào mùa lạnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc.

Các nhóm hàng hóa còn lại như giáo dục, văn hóa, giải trí và du lịch, thiết bị đồ dùng gia đình tăng nhẹ từ 0, 05% đến 0,6%.
Nhóm hàng bưu chính viễn thông tiếp tục là nhóm hàng duy nhất trong 11 nhóm giảm giá, CPI giảm 0,09%. 

Chỉ số giá vàng giảm 0,97% trong khi USD tăng nhẹ 0,02%. Những chỉ số này không không tính vào CPI chung nhưng cũng có ảnh hưởng. Cụ thể, khi tỷ giá tăng, một số nhóm hàng hóa tiêu dùng có liên quan đến nguồn gốc nhập khẩu như may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ uống, thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế… cũng bị ảnh hưởng.

Theo Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 12 có mức tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn. Cụ thể, với nhu cầu mua sắm cuối năm tăng, giá một số mặt hàng may mặc, dịch vụ may mặc, đồ dùng gia, các dịch vụ xây dựng, nhà ở tăng cao.

Đặc biệt, tỷ giá USD/VND trong những tháng gần đây liên tục tăng đã ảnh hưởng đến giá nguyên liệu nhập khẩu khiến giá chi phí đầu vào của một số mặt hàng đồ dùng gia đình và mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu tăng giá mạnh.

Dự báo về mức tăng giá tiêu dùng tháng 1/2012, ông Thắng cho biết do tháng 1/2012 là tháng đặc biệt với Tết Dương lịch trùng với Tết Âm lịch và có số ngày nghỉ lên tới 9 ngày nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, văn hóa giải trí, đi lại trong nhân dân sẽ tăng cao.

Đây sẽ là những yếu tố khiến giá tiêu dùng tháng 1/2012 sẽ tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng 12/2011.

Vì vậy, để đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn của tăng giá tiêu dùng, theo ông Thắng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu với dự báo nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2012 sẽ tăng trên 20%.

Đặc biệt, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM cần đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, đẩy mạnh dự trữ sẵn sàng tung ra bình ổn thị trường.

  Văn bản pháp lý
  Hồ sơ năng lực
  Hình ảnh các dự án