Là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông kỳ vọng gì vào phiên chất vấn đầu tiên của khóa XIII?
- Chất vấn để xác định đấy là những vấn đề bức xúc của xã hội, quan tâm của cử tri và cũng là dịp để các thành viên Chính phủ được phân công phụ trách các lĩnh vực giải đáp, trả lời chất vấn của đại biểu. Nếu việc này làm một cách hiệu quả thì chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào việc nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành trong việc quản lý các lĩnh vực được giao.
Tại phiên chất vấn đầu tiên của khóa này, tôi hy vọng các đại biểu đặt câu hỏi xác đáng, trình bày đúng trọng tâm hơn. Các thành viên Chính phủ trả lời bám sát vào các vấn đề và hy vọng sẽ trình bày giải pháp để giải quyết. Còn việc cam kết chỉ là một phần, để thể hiện quyết tâm và cũng là sự đảm bảo các giải pháp, biện pháp nêu ra sẽ đi đến kết quả.
Tôi không đặt cao việc cam kết, quan trọng là giải pháp để làm tốt công việc của mình chứ không phải là hứa những gì.
GS Đào Trọng Thi: "Dư luận cho rằng vừa rồi việc thành lập các trường đại học, cao đẳng là hơi nhiều và không đảm bảo điều kiện cũng như chất lượng". Ảnh: Tiến Dũng. |
- Ở nhiệm kỳ trước, đôi khi các bộ trưởng chỉ nói rằng tôi sẽ làm thế này, thế kia nhưng không có lộ trình để Quốc hội giám sát khiến các giải pháp cứ trôi đi. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tất nhiên nếu có lộ trình thì tốt, nhưng tôi nghĩ đây là việc trao đổi nhanh trên nghị trường, các bộ trưởng không được chuẩn bị chu đáo. Đấy mới là những ý kiến, định hướng, ý tưởng bước đầu. Sau đó bộ trưởng về còn chỉ đạo cơ quan, bộ máy của mình chuẩn bị thì lúc đấy mới ra kế hoạch, giải pháp, lộ trình và tiến độ thực hiện. Còn hy vọng ngay một câu trả lời chất vấn mà chứa đựng cả lộ trình thì chẳng cần bộ máy, chẳng cần làm kế hoạch nữa.
- Tại kỳ họp trước, nhiều đại biểu đề xuất phần trả lời của các bộ trưởng sẽ được ghi lại để giám sát việc thực hiện các cam kết. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu thấy cần thiết thì Quốc hội phải ra nghị quyết và giám sát theo nghị quyết đó là đúng quy trình. Thế nhưng không phải lúc nào cũng ra được nghị quyết có nội dung như mong muốn. Bởi vậy trong nhiều đợt giám sát, Quốc hội chỉ căn cứ vào kết luận của chủ tọa phiên giám sát ấy và sau đó được biên tập lại thành kết luận để đôn đốc các thành viên Chính phủ thực hiện theo những điều đã trao đổi. Nhưng giá trị của kết luận này không thể như nghị quyết mà theo quy định, giám sát nghị quyết của Quốc hội chứ không phải giám sát những điều thành viên Chính phủ nói trước 500 đại biểu.
- Tại kỳ họp trước, nhiều ý kiến cho rằng mỗi bộ trưởng, trưởng ngành có 2-3 vấn đề nổi cộm, do đó khi chất vấn nên tập trung để giải quyết đến cùng vấn đề thay vì mỗi đại biểu hỏi quá nhiều vấn đề?
- Ở kỳ họp thứ 12, chính tôi cũng nêu ý kiến nên tổ chức chất vấn theo nhóm vấn đề. Và từ đó, Quốc hội đã có nhiều cải tiến theo hướng gom thành những chủ đề để đại biểu tập trung chất vấn và để giải quyết triệt để các vấn đề đó. Trong kỳ họp này, việc đó tiếp tục được cải tiến.
- Với tư cách đại biểu, cá nhân ông quan tâm tới lĩnh vực gì?
- Tất nhiên tôi quan tâm tới lĩnh vực giáo dục đào tạo. Cụ thể là vấn đề chất lượng và dư luận cho rằng vừa rồi việc thành lập các trường đại học, cao đẳng là hơi nhiều, không đảm bảo điều kiện cũng như chất lượng. Tôi cũng quan tâm vấn đề dạy thêm học thêm, lạm thu trong dịp đầu năm học...
Đó không phải là những vấn đề mới nhưng vẫn là bức xúc. Tôi nghĩ để giải quyết triệt để, giải quyết tận gốc thì khó, nhưng sẽ giải quyết được một số vấn đề và Quốc hội muốn nghe giải pháp của bộ trưởng giáo dục.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, từ 23 đến 25/11, Thủ tướng và các vị bộ trưởng Giao thông, Giáo dục, Nông nghiệp, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng sẽ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Đinh La Thăng - người nhận được nhiều chất vấn nhất - sẽ đăng đàn đầu tiên. Ông Phúc cho biết, các câu hỏi sẽ tập trung vào các vấn đề lớn, vĩ mô, những câu hỏi cụ thể, mang tính địa phương, các vị bộ trưởng sẽ chỉ ghi nhận. Các bộ trưởng sẽ không đọc báo cáo, thời gian trên hội trường tập trung vào câu hỏi trực tiếp. Quốc hội cũng sẽ lựa chọn vấn đề để ra nghị quyết, làm cơ sở để giám sát hậu chất vấn. |