1. Tên dự án: Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1.
Được Bộ GTVT phê duyệt tại quyết định số 3304/QĐ-BGTVT, ngày 31/10/2008
2. Cơ quan chủ quản:
Bộ Giao thông vận tải (MOT)
3. Chủ đầu tư:
Đường sắt Việt Nam (VNR).
4. Đại diện chủ dầu tư:
Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU)
5. Tổ chức tư vấn lập Dự án:
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (Tricc-jsc).
6. Mục tiêu đầu tư xây dựng
- Cải thiện tình trạng giao thông đô thị của thủ đô Hà Nội và nâng cao năng lực khai thác của đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm đạt các yêu cầu cơ bản sau: phục vụ chạy tầu khách thống nhất , tàu liên vận tàu du lịch và tầu đô thị.
- Từng bước đưa hệ thống giao thông bánh sắt đô thị vận chuyển nhanh, khối lượng lớn vào hoạt động.
- Cung cấp một hệ thống vận tải hành khách công cộng thường xuyên, đúng giờ, an toàn và nhanh chóng trong đô thị.
- Giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trong đô thị, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
7. Nội dung, quy mô đầu tư:
7.1. Nội dung đầu tư:
Xây dựng mới tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm với tổng chiều dài khoảng 15,36km, bao gồm các hạng mục chủ yếu như: cầu cạn, cầu vượt đường bộ tại các nút giao, cầu vượt sông Hồng; các ga đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị; Depo và các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy toa xe; kết cấu thượng tầng đường sắt; nền đường; hầm chui; hệ thống thông tin, tín hiệu; điện khí hóa và các công trình đồng bộ khác; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ chạy tầu khách đô thị.
7.2. Quy mô đầu tư:
7.2.1. Xây dựng khu ga Ngọc Hồi (Km N11+018 – Km N14+870):
- Nền đường khu ga: làm mới toàn bộ nền khu ga với chiều dài 2,95km (từ KmN11+350 đến KmN14+300) có diện tích chiếm đất là 104ha (trong giai đoạn 1 là 69,8ha cho 5 khu chức năng), thi công nền đường các đoạn đường sắt nối với đường sắt phía Tây và đường sắt Thống Nhất và toàn bộ hệ thống thoát nước khu ga..
- Ga hàng hóa: xây dựng mới 22 đường ga (kể cả đường điều dẫn) có chiều dài đặt đường là 13,9km khổ 1000mm, lắp đặt 50 bộ ghi; nhà ga mới, nhà hóa vận, kho hàng, ke ga; bãi hàng, đường nội bộ, đường dẫn vào ga; bãi đỗ xe; trang thiết bị máy móc đồng bộ.
- Depo tầu đô thị: xây dựng mới trên tổng diện tích 10ha với chiều dài đường sắt là 7,5km khổ 1435mm; nhà xưởng và các trang thiết bị máy móc đồng bộ.
- Xí nghiệp đầu máy: xây dựng mới trên tổng diện tích 8,2ha với chiều dài đường sắt là 3,4km khổ lồng; nhà xưởng và các trang thiết bị máy móc đồng bộ.
- Xí nghiệp toa xe hàng: xây dựng mới trên tổng diện tích 10ha với chiều dài đường sắt là 5,3km khổ 1000mm; nhà xưởng và các trang thiết bị máy móc đồng bộ.
- Kiến trúc tầng trên đường sắt chính tuyến là đương nối: đặt 3,45km đường đơn chính tuyến (1,83km đường khổ lồng và 1,62km đường khổ 1000mm); các nhánh nối ga Ngọc Hồi với ĐSTN và đường sắt phía Tây dài 4,4km khổ 1000mm; cải tạo đoạn Giáp Bát – Ngọc Hồi dài 4,26km; xây dựng 2 đường ngang có người gác tại hai đầu ga.
7.2.2. Xây dựng các công trình trên đoạn Giáp Bát – Gia Lâm (KmN5+844 - KmB6+338):
- Bình diện, trắc dọc: tuyến cơ bản bám sát đường sắt hiện tại và được nâng lên cao một khoảng từ 8m -12m.
- Xây dựng mới hệ thống cầu cạn, cầu vượt đường bộ đoạn Giáp Bát – Gia Lâm.
- Cầu vượt sông Hồng: Xây dựng cầu Long Biên mới riêng cho đường sắt cách cầu cũ 30m về phía thượng lưu, dài 1.713m. Trong đó, phần cầu chính dài 1.089,2m gồm các dàn thép có khẩu độ 106m, 181m, 75m dạng vòm liên kết cân bằng liên tục kết hợp dàn Warren; cầu dẫn gồm các nhịp dầm bê tông khẩu độ từ 20m đến 50m (đầu Hà Nội 09 nhịp, đầu Gia Lâm 08 nhịp); mố trụ bằng BTCT trên móng cọc khoan nhồi D1,5m.
- Xây dựng hệ thống nhà ga
+ Xây dựng mới nhà ga và lắp đặt thiết bị điều hành chạy tầu và phục vụ hành khách cho 6 ga đô thị: Phương Liệt, Bạch Mai, Công viên Thống Nhất, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên Bắc.
+ Xây dựng mới nhà ga Giáp Bát phục vụ cho ĐS đô thị và ĐS quốc gia gồm: Nhà ga; quảng trường và sân ga; lắp đặt các trang thiết bị điều hành chạy tầu và phục vụ hành khách; cầu vượt cho người đi bộ nối với bến xe Giáp Bát.
+ Xây dựng ga Giáp Bát tạm gồm 3 đường đón gửi, nhà ga, quảng trường và sân ga; cải tạo bãi dồn thành khu chỉnh bị toa xe khách , cải tạo trạm đầu máy; Xây dựng đoạn đường sắt tạm nối ga Giáp Bát tạm với đường sắt Thống Nhất hiện tại dài 433,55m.
+ Xây dựng mới ga Hà Nội phục vụ cho ĐS đô thị và ĐS quốc gia gồm: nhà ga; quảng trường ga, sân ga và khu vực để xe; lắp đặt các trang thiết bị điều hành chạy tầu và phục vụ hành khách.
+ Xây dựng mới khu ga Gia Lâm trên mặt đất phục vụ cho ĐS đô thị và ĐS quốc gia gồm: 10 đường ga, chiều dài đặt đường là 7,66km; Nhà ga, quảng trường ga, đường bộ vào ga, khu vực để xe; Lắp đặt các trang thiết bị điều hành chạy tầu và phục vụ khành khách; Trạm đầu máy diện tích 0,8ha với chiều dài đặt đường 0,82km; Nhà điều hành và các máy móc thiết bị đồng bộ; Xí nghiệp toa xe khách diện tích 7ha với chiều dài đặt đường 5,26km; nhà xưởng và các máy móc thiết bị đồng bộ.
- Ngoài ra còn xây dựng hệ thống tường chống ồn dài 1263m; Hầm chui phía Bắc ga Gia Lâm kmB5+278.5 dài 45m rộng 32,25m.
7.2.3. Xây dựng các công trình thông tin, tín hiệu, hệ thống truyền tải và cung cấp điện:
- Xây dựng công trình thông tin, bao gồm:
+ Xây dựng mới hệ thống thông tin đường sắt trên đoạn Giáp Bát – Gia Lâm để phục vụ công tác chỉ huy chạy tầu và điều hành khai thác của dự án.
+ Cải tạo hệ thống thông tin trên các tuyến đường sắt liên quan và di dời hệ thống thông tin tại các ga phù hợp với tổng thể chung của dự án.
- Xây dựng công trình tín hiệu: Trung tâm điều độ tập trung (CTC) tại ga Hà Nội, Hệ thống điều khiển đoàn tầu tự động (ATC); hệ thống bảo vệ đoàn tầu tự động (ATP) cho tầu đô thị; hệ thống vận hành đoàn tầu tự động (ATO) cho tầu đô thị; hệ thống giám sát đoàn tầu tự động (ATS) cho tầu đô thị; hệ thống giám sát và điều khiển tập trung; hệ thống nhận dạng số hiệu đoàn tầu.
- Xây dựng mới Trung tâm điều hành vận tải của Tổng công ty ĐSVN tại Hà Nội (có xét đến mối liên hệ với dự án Hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải hiện nay đang triển khai thực hiện).
- Xây dựng hệ thống truyền tải và cung cấp điện.
7.2.4. Mua sắm phương tiện vận tải đường sắt đô thị:
Mua sắm mới 27 đoàn tầu tự hành chạy điện phục vụ cho vận tải đường sắt đô thị.
8. Tổng mức đầu tư của dự án:
Tổng mức đầu tư của dự án ước tính là 19.460 tỷ VNĐ đồng tương đương 147.699 triệu Yên Nhật (theo thời giá quý 2 năm 2008, 1VND=0.00759JPY), trong đó vốn vay ODA là 106.053 triệu Yên (tương đương 13.972 tỷ đồng), vốn đối ứng là 5.487 tỷ VNĐ (tương đương 41.646 triệu Yên).